Thủ tướng: 'Mỗi bộ ngành có một Viettel, mỗi tỉnh thành có một Becamex'

Khẳng định các doanh nghiệp Nhà nước là đầu tàu kinh tế đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp để gây dựng nên nhiều doanh nghiệp điển hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ảnh: VGP.

Chiều 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Doanh nghiệp Nhà nước đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước

Năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu.

Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.

Phát huy vai trò chủ lực và chuyển mình đổi mới sáng tạo

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò DNNN một lần nữa được khẳng định và phát huy, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

Đánh giá về hoạt động của các DNNN trong 5 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết các DNNN cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, các dự án đầu tư đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ đồng (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ).

Một số dự án lớn trọng điểm, quan trọng quốc gia đạt giá trị thực hiện cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, Quảng Trạch 1, mở rộng Thủy điện Hòa Bình, Yaly, đường dây 500 kV, chuỗi dự án điện khí lô B, các dự án giao thông (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cảng hàng không Long Thành, các bến container số 3, 4 tại cảng Lạch Huyện), tái cơ cấu dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt kết quả tích cực…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng cho rằng hoạt động của các DNNN còn nhiều hạn chế, khuyết điểm như việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với những gì được được giao; có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các DNNN vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hiệu quả đầu tư phát triển về tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiềm ẩn rủi ro, lỗ lũy kế lớn, liên tiếp trong nhiều năm.

Năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn lạc hậu so với xu thế phát triển, phần lớn DNNN do địa phương quản lý năng lực còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.

Xây dựng DNNN có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế

Nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hết sức quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, do vậy Thủ tướng nêu một số định hướng, mà trước hết là luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. "Đây là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN," Thủ tướng nêu.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng đề nghị các DNNN, nhất là những DNNN quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích lũy, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Đối với một số số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các DNNN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu, than) phải đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế; đặc biệt là bảo đảm cung ứng điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong cung ứng lương thực, thực phẩm, các tập đoàn cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Thủ tướng đồng ý việc sẽ tổ chức hội nghị 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân) về triển khai đề án này.

Đối với nhóm các DNNN cung ứng dịch vụ công ích, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cấp nước sạch, chống ngập úng. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu các giải pháp miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với nước, cước viễn thông, chi phí logistics, cất hạ cánh…

Các tổng công ty, DNNN trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị tập trung phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhất là năm nay phải hoàn thành đầu tư phát triển 130.000 căn.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai quyết liệt, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, liên kết, phát triển kinh tế vùng.

Kỳ vọng "mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex", đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng đề nghị quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được".

Đại diện các Bộ ngành tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Đại diện các Bộ ngành tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực; Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN thực hiện hiệu quả chức năng, chủ động giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, không bỏ qua ý kiến nào của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-moi-bo-nganh-co-mot-viettel-moi-tinh-thanh-co-mot-becamex-post35724.html