Thủ tướng mong Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, vốn và quản trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh gồm thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị; đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo,...

Trước khi kết thúc chuyến công tác đến Hiroshima, Nhật Bản trong 3 ngày, chiều 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản.

Mong muốn thúc đẩy nguồn năng lượng xanh và phát điện ổn định

Hạ nghị sĩ Kobayashi Fumiaki cho rằng, nhân lực Việt Nam không chỉ thành công ở Nhật Bản mà còn thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì vậy, Nhật Bản cần học hỏi sức mạnh mềm của Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực.

Nhấn mạnh tọa đàm hôm nay là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác 2 bên, ông Kobayashi Fumiaki hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn đoàn sang Việt Nam hợp tác và mong Thủ tướng cùng các bộ ngành Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác 2 nước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đại diện Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản cho biết, có nhiều doanh nghiệp của liên đoàn muốn đầu tư vào Việt Nam. Liên đoàn đã thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư tại Hà Nội để kết nối thông tin hai bên.

Vị đại diện này cho rằng, Việt Nam là quốc gia gần gũi với Nhật, có môi trường hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Vì vậy mong Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ thủ tục hành chính đơn giản, giải quyết nhanh chóng.

Một doanh nghiệp Nhật Bản cũng gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Việt Nam tích cực thúc đẩy nguồn năng lượng xanh và phát điện ổn định. Phản ánh giá đất hiện nay của Việt Nam đang tăng cao làm cho các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn, doanh nghiệp này mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát giá đất, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ.

Quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi đến Hiroshima - thành phố thể hiện biểu tượng khát vọng hòa bình và phát triển đã tổ chức thành công Hội nghị G7 mở rộng.

Thủ tướng kể lại sự kiện sáng nay khi ông cùng các khách mời đến thăm công viên hòa bình, được xem các hình ảnh về hậu quả từ quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, cướp sinh mạng 140.000 người và hiện nhiều người vẫn đang chịu hậu quả.

“Chúng tôi là nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, mất mát, hy sinh rất nhiều. Chúng tôi là dân tộc rất yêu chuộng hòa bình và hiểu cái giá phải trả cho hòa bình là như thế nào”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng bày tỏ xúc động trước những chia sẻ rất tâm huyết của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tin tưởng đầu tư và đồng hành cùng Việt Nam phát triển. Sự thấu hiểu này đã giúp hai bên đi đến thành công với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, qua năm tháng chiến tranh cho đến nay, chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ và vị thế như hiện nay. Việc Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đã thể hiện vị thế của Việt Nam ngày càng tăng lên. “Chúng tôi cũng rất vinh dự vì điều này”, Thủ tướng nói.

Nói về quan hệ hai nước, Thủ tướng cho biết, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.

Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, lắng nghe

Chia sẻ về những vấn đề nền tảng, những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ đất nước và đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ: "Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải"....

Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Xuyên suốt quá trình phát triển, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, nắm bắt tình hình thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách kịp thời, hiệu quả.

Các doanh nghiệp Nhật Bản

Các doanh nghiệp Nhật Bản

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn... Hiện lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, Việt Nam ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực: Công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.

Thủ tướng mong muốn Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh (thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị), đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải....

Nhật Bản là đối tác quan trọng

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-mong-nhat-ban-ho-tro-viet-nam-ve-cong-nghe-von-va-quan-tri-2145588.html