Thủ tướng: 'Nếu có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, quý vị cứ phản ánh thẳng thắn'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF)...

Thủ tướng khẳng định, hệ thống chính sách của Việt Nam thời gian tới sẽ hướng đến cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng khẳng định, hệ thống chính sách của Việt Nam thời gian tới sẽ hướng đến cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Chiều 10/12, tại Trụ sở Chính phủ, gặp mặt đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Thủ tướng nhấn mạnh, nếu có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở ngành, lĩnh vực nào, "quý vị cứ phản ánh thẳng thắn, hoặc viết thư cho Thủ tướng, để Thủ tướng cho kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất".

Tại buổi gặp, Thủ tướng cho biết, năm nay, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng dương, mà "theo tờ báo tôi mới xem, Việt Nam được xếp hạng trong top 5 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số dòng chảy thương mại". "Chúng ta có không gian phát triển tốt ở một đất nước ổn định, luôn quan tâm đến sự phát triển, nhất là hỗ trợ cho các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp FDI".

Thủ tướng cho rằng, suốt 23 năm qua, Diễn đàn VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến hữu ích nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh về số lượng và tiềm lực, góp phần đưa nền kinh tế đạt tăng trưởng cao, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng. "Muốn đất nước phát triển thì hệ thống doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ".

Ông Kyle Kelhofer, đại diện cho IFC, đồng Chủ tịch VBF cho biết, hiện nay tại châu Âu và Mỹ, dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp, nhưng Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch, "điều này góp phần giúp Việt Nam bắt đầu phục hồi nền kinh tế sớm hơn các nước khác và là một lợi thế vô cùng quan trọng". Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bất kể quy mô, ngành nghề, đều hứng chịu những tác động do dịch COVID-19, "hơn bao giờ hết, đây là lúc Chính phủ cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, hồi phục trạng thái bình thường mới".

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh 2 điểm sáng, thành công của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, trước hết là cải cách thể chế được đẩy mạnh với 3 đợt sóng cải cách rất mạnh mẽ. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh và 7 bậc về năng lực cạnh trong nhiệm kỳ qua.

Điểm sáng thứ hai là Chính phủ ứng phó có hiệu quả với dịch COVID-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, mà trên phạm vi toàn cầu theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Đại diện VCCI đề xuất Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các gói hỗ trợ ban hành với việc mở rộng phạm vi, thời hạn của các gói.

Đại hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là về cơ chế nhập cảnh. Cùng chung quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng "Chính phủ Việt Nam thường xuyên hỗ trợ" vì thế, 3.000 người Nhật Bản đã vào Việt Nam làm việc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu; mong muốn chính quyền các địa phương giữ đúng các cam kết, lời hứa đối với các nhà đầu tư, như bảo đảm cấp điện 24/24 giờ, giảm thiểu các thủ tục, nộp thuế trực tuyến…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được xem là chìa khóa thành công của Việt Nam; đề xuất Chính phủ Việt Nam mở rộng chính sách miễn thị thực.

Đại diện cho WB, bà Carolyn Turk nêu rõ, phải có lộ trình dài hạn về phục hồi nền kinh tế, nhấn mạnh vào phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

"Chúng ta thấy Việt Nam đang có vai trò tiên phong trên thế giới trong chiến thắng đại dịch COVID-19, và hy vọng Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới trong việc phục hồi nền kinh tế, dẫn đầu thế giới về tăng trưởng xanh". WB vui mừng tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong phát triển triển bền vững, tăng trưởng xanh, thông qua việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Diễn đàn VBF là kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025, phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng đánh giá cao những vấn đề mà các hiệp hội doanh nghiệp nêu ra tại cuộc gặp; khẳng định Chính phủ sẽ sớm có phản hồi các vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ, mặc dù suốt đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương nhưng vẫn còn bất cập, nhất là cần phải cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm xử lý vấn đề hạ tầng, năng lượng, giảm phí logistics; hình thành các thị trường rõ nét và thuận lợi hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là Chính phủ điện tử, công nghệ số trong quá trình phát triển.

Việt Nam kiên định mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế.

Thủ tướng bày tỏ, nếu có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở ngành, lĩnh vực nào, "quý vị cứ phản ánh thẳng thắn, hoặc viết thư cho Thủ tướng để Thủ tướng cho kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất". Đặc biệt, sẽ kiểm tra các lời cam kết của các địa phương đối với nhà đầu tư có thực hiện đúng không.

Thủ tướng khẳng định, hệ thống chính sách của Việt Nam thời gian tới sẽ hướng đến cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư nỗ lực chấp hành luật pháp Việt Nam, nhất là làm ăn minh bạch, tránh các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế... Chính phủ sẽ lắng nghe và tháo gỡ mọi khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là rà soát lại những điểm còn bất hợp lý để điều chỉnh.

Việt Nam đang hướng tới thành một môi trường cạnh tranh thuộc nhóm đầu ASEAN để mọi nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn thuận lợi, "mọi thứ đều minh bạch". Chính vì vậy, Cổng Dịch vụ công quốc gia đang ngày càng mở rộng, kết nối thuận lợi nhất, nhanh nhất cho mọi nhà đầu tư.

Thủ tướng cho biết, tháng 6/2020, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đứng đầu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng về cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và giải pháp đón làn sóng chuyển dịch FDI...

Tuệ Linh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thu-tuong-neu-co-hien-tuong-tieu-cuc-tham-nhung-quy-vi-cu-phan-anh-thang-than-20201210204649792.htm