Thủ tướng: Nghiên cứu thực hiện các dự án mang tính chiến lược để hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL
Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng)... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến khảo sát các điểm sạt lở tại các địa phương vùng ĐBSCL để có giải pháp tháo gỡ.
Chiều 12-8, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở và công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, lãnh đạo các tỉnh thành ở ĐBSCL và nhiều nhà nghiên cứu.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, từ năm 2016 đến nay, vùng ĐBSCL có 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km; bờ biển: 113 điểm/390km).
Hiện tại còn 561 điểm nguy cơ sạt lở cao, trong đó bờ sông 513 điểm/602km, bờ biển 48 điểm/208km; trong đó điểm đặc biệt nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204km (bờ sông 39 điểm /118km, bờ biển 24 điểm/86km).
Đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, Bộ NN-PTNT đánh giá, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư…
Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm, cụ thể: Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha; xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh).
Xói lở nghiêm trọng trên các sông, kênh nối sông Tiền và sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi. Xói lở tập trung nhiều ở sông Tiền; tập trung ở An Giang (75 điểm), Tiền Giang (65 điểm) và Cà mau 86 điểm…
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; tính toán vốn phù hợp, lựa chọn vấn đề nào cấp bách khẩn trương phương án khắc phục trước. Về lâu dài, cần nghiên cứu làm các dự án mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, các địa phương phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng của sạt lở, sụp lún, ngập úng cho người dân, để người dân chung tay ứng phó, ngăn chặn; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị quản lý, các cấp chính quyền trong hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời, đúng lúc.
Đặc biệt, các địa phương phải có giải pháp cấp bách, lâu dài cho công tác ứng phó sạt lở ở ĐBSCL; huy động mọi nguồn lực từ cấp nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và hợp tác quốc tế cho công tác ứng phó, ngăn chặn…
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã thực tế kiểm tra tình hình sạt lở tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Tại các điểm kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà các địa phương và nhân dân vùng sạt lở phải gánh chịu, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống.
Thủ tướng đề nghị người dân phải ủng hộ, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong triển khai các dự án chống sạt lở.