Thủ tướng: Ngoại giao cần nghiên cứu, phân tích về 'đối tác, đối tượng'
Thủ tướng lưu ý nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về 'đối tác, đối tượng'. Bộ Ngoại giao hàng tuần có báo cáo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đột xuất thì báo cáo riêng để nắm được tình hình.
Đảng bộ Bộ Ngoại giao sáng nay tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025-2030. Bí thư Đảng ủy, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, 300 đảng viên tiêu biểu đại diện gần 12.000 đảng viên trong đảng bộ tham dự đại hội.
Nhiệm kỳ qua, tình hình quốc tế trải qua những biến động lớn, diễn biến mới, phức tạp hơn, tác động mạnh mẽ và nhiều chiều đến an ninh, phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Thủ tướng và các đại biểu xem triển lãm ảnh về thành tựu đối ngoại.
Phó Thủ tướng cho biết, vượt qua khó khăn, thử thách, đảng bộ triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị, xây dựng đảng, xây dựng ngành ngoại giao, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, đóng góp vào thành tựu có ý nghĩa quan trọng, lịch sử của công tác đối ngoại…
Phó Thủ tướng nêu rõ, cục diện đối ngoại được củng cố rộng mở, thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ông cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã nỗ lực với quyết tâm cao lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị, hoàn thành tổ chức đại hội của hơn 500 tổ chức đảng ngoài nước và 27 tổ chức đảng trong nước. Công tác nhân sự, văn kiện trình Đảng bộ Bộ Ngoại giao được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định…

Phó Thủ tướng: Đại hội mở ra giai đoạn phát triển mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao, một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ và ngành Ngoại giao.
Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Đảng ủy Chính phủ cho biết, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao diễn ra trong khí thế đất nước chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày lập nước.
Thủ tướng ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển; góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Đây là nhiệm kỳ mang đậm dấu ấn về thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối đối ngoại, với hơn 300 báo cáo lớn, 300 tờ trình, 17 nghị quyết và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nổi bật là Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong "bộ tứ trụ cột" làm nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng nêu rõ, nước ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với trường phái "ngoại giao cây tre", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến".
Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 194 nước, đưa tổng số Đối tác Toàn diện, Đối tác Chiến lược, Đối tác Chiến lược toàn diện lên trên 30 nước...

Qua theo dõi hoạt động và báo cáo tham luận, tổng kết, Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị đại hội của Đảng ủy Bộ Ngoại giao khi đã bám sát hướng dẫn của Trung ương.
Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế. Thủ tướng dẫn chứng về công tác ngoại giao vắc xin rất thành công, góp phần đưa Việt Nam "đi sau về trước", mở cửa sớm giúp tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tích cực, hiệu quả, kịp thời. Thủ tướng nói về sự kiện mới đây khi Việt Nam và Lào lần đầu có di sản liên biên giới mang tên "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô". Những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh phải luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, mới đây đã có những chính sách quan trọng như visa, quốc tịch, tài sản đất đai, căn cước… đáp ứng mong mỏi của kiều bào trong đóng góp, xây dựng đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự đại hội
Thủ tướng cho rằng ngành Ngoại giao cần giữ vững đoàn kết, thống nhất nội bộ, giữa Bộ Ngoại giao với các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế. Cần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Thủ tướng chia sẻ trong chuyến công tác tới Brazil mới đây, lãnh đạo các nước đều bày tỏ rất tôn trọng Việt Nam vì lịch sử hào hùng, sự vượt khó, đường lối đối ngoại khi cân bằng được với các nước lớn.
Quốc tế hóa những chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao tiên phong, nòng cốt, chủ động, tích cực, sáng tạo hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao cần theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ về mặt chiến lược, về những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh.
Đặc biệt lưu ý nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về "đối tác, đối tượng", Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao hàng tuần có báo cáo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đột xuất thì báo cáo riêng để nắm được tình hình.
Bộ cần nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa đường lối đối ngoại và đối nội.

Thủ tướng chúc mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 và các Phó Bí thư Đảng ủy.
Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao phải góp phần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
"Một buổi biểu diễn thôi nhưng mang lại hiệu quả rất lớn, nhưng lớn hơn là người dân được hưởng thụ", Thủ tướng dẫn chứng về concert chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai biểu diễn ngoài trời với mức vé rẻ nhất là 800.000 đồng, đắt nhất 8 triệu đồng nhưng được bán hết và tìm không có vé.
Lưu ý Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT-DL cần nghiên cứu để quốc tế hóa những chương trình như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh cần xem văn hóa là trụ cột lớn, biến thành vật chất góp phần phát triển đất nước.
Thủ tướng cũng lưu ý xây dựng Đảng bộ Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại.