Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu
Ngày 1-8, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019.
Ngày 1-8, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019.
Kết luận Phiên họp, nhìn lại kết quả triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng điểm lại những điểm sáng như: Sức mua, tiêu dùng tăng mạnh, cho thấy đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tính chung cả 7 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,61%, thấp nhất so cùng kỳ 3 năm qua. Các nhà đầu tư trong nước không ngừng đổi mới, sáng tạo, là xu hướng tốt cho tự cường nền kinh tế. Chính sách tài khóa, tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ. Kiểm soát chỉ số giá cả được thực hiện tốt, thu ngân sách Nhà nước diễn biến tích cực, chi thường xuyên tăng thấp so với cùng kỳ; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hoạt động của khối doanh nghiệp khởi sắc, nhiều địa phương chủ động cải cách, xúc tiến thương mại, đầu tư. Lĩnh vực y tế, phòng dịch, bệnh được triển khai mạnh mẽ. Lĩnh vực thông tin có nhiều đổi mới trong việc xử lý tin giả, thông tin tích cực tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế...
Đề cập đến những thách thức, tồn tại cần khắc phục trong thời gian qua của kinh tế xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn tác động mạnh đến Việt Nam. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh căng thẳng chính trị thế giới, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, tác động của việc tăng giá điện, tăng lương cơ bản (từ ngày 1-7) có thể sẽ còn tạo áp lực lên lạm phát. Thời tiết nắng nóng, hạn hán lan rộng, dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát; khả năng CPI bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong thực hiện các mục tiêu của năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh đến “quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu năm 2019. Tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020”, Thủ tướng nói.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là dự án mới, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, khắc phục tâm lý “sợ rủi ro” sau khi quyết định đầu tư được phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. “Cần rà lại về các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở”.
Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thủ tướng đề nghị sớm có biện pháp khắc phục những bất cập yếu kém của nền kinh tế. Các Bộ trưởng tập trung thời gian hơn để xử lý những dự án yếu kém.
QUỲNH NHƯ – TTXVN
Bộ Công an chủ động phá đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng ở Hải Phòng
Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 1-8, thông tin về đường dây đánh bạc tại Hải phòng có liên quan tới gần 400 người Trung Quốc ở khu đô thị Our City do Công ty Hiệp Phong làm chủ đầu tư, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, vụ án đánh bạc 10.000 tỷ đồng do đối tượng Trung Quốc cầm đầu hoàn toàn do Bộ Công an chủ động tổ chức đấu tranh trong vụ án.
Đề cập đến tội phạm công nghệ cao, Trung tướng Lương Tam Quang nêu rõ, yếu tố bí mật bất ngờ và sử dụng đồng bộ các biện pháp là điều quan trọng, bởi lẽ chứng cứ điện tử, nếu có sơ suất chắc chắn sẽ bị tiêu hủy và gây khó khăn cho quá trình đấu tranh, làm rõ và truy tố các đối tượng này.
Bác bỏ thông tin cho rằng đây là “bongke”, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định, vụ án này hoàn toàn do Bộ Công an chủ động tổ chức đấu tranh trong vụ án. Ông cũng cho biết, khi Bộ Công an phá vụ án đã tạm giữ 395 đối tượng, trong đó có 19 người khai báo tạm trú, còn lại lợi dụng đường du lịch vào Việt Nam.
“Qua xác minh ban đầu, các đối tượng phạm tội và bị hại đều là công dân Trung Quốc, chưa phát hiện có bị hại người Việt Nam trong vụ việc này, do vậy căn cứ theo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và được sự đồng ý của Viện kiểm sát, cơ quan Công an Việt Nam đã bàn giao các đối tượng này cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định”, Chánh Văn phòng Bộ Công an nói.