Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam

Tại buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sáng nay (2/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (2/11), các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội.

Quang cảnh phiên họp sáng nay tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nguyên nhân sạt lở có phải do phá rừng?

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, thời gian qua, các tỉnh miền Trung liên tiếp phải hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, cả vật chất và tinh thần đều thiệt hại lớn, thế nhưng chúng ta vẫn nỗ lực, đạt tăng trưởng dương.

Theo ông Bình, kết quả đạt được đó là nhờ vào sự đồng lòng trong lãnh đạo chỉ đạo, sự sẻ chia, và tinh thần yêu nước, thương nòi được khơi dậy.

Đại biểu Phan Thái Bình cho biết, mỗi lần bão lũ, việc di dời dân rất lớn, nhà cửa, trường học hư hỏng nặng. Do đó, ông Bình cho rằng, cần xây dựng hệ thống trường học một cách kiên cố, không chỉ để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng đồng thời cũng có thể là nơi cư trú an toàn cho người dân khi phải di dời.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho biết: Đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều hình ảnh rất đau lòng. Người mất nhà, con mất cha, mất mẹ…

Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá lại mức độ thiệt hại từ vật chất đến tinh thần, đồng thời xem tình trạng sạt lở vừa qua nguyên nhân từ đâu? Có phải do phá rừng không? Đại biểu Hận khẳng định “chắc chắn là có” việc này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ việc phát triển nhưng cũng mong muốn Chính phủ đánh giá lại việc lấy diện tích rừng để xây hồ, xây đập, làm sao vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời phải giảm nguy cơ tối đa thiệt hại”.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đề nghị cần có đánh giá sâu hơn, chứ không thể nhận định, đánh giá chung chung về việc lấy diện tích rừng để xây hồ, xây đập.

Đại biểu dẫn ví dụ vấn đề an ninh nguồn nước, thời gian qua tác động đến đời sống của người dân như nào; rồi vấn đề an toàn hồ đập cũng cần phải tính toán lại…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Sạt lở đất là là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài

Phát biểu tại buổi thảo luận liên quan đến tình hình mưa lũ tại miền Trung vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.

“Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội các nội dung cụ thể về việc khắc phục hậu quả lũ lụt”, Thủ tướng cho biết.

Nhấn mạnh về các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, theo Thủ tướng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sạt lở đất là là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn. Đặc biệt, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu.

Thủ tướng đã nêu các dẫn chứng như vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn và vụ sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam), các ngọn núi đều ở khá xa khu dân cư hoặc khu nhà ở của quân đội, nhưng do mưa lớn, sạt lở, bùn đất "dịch chuyển" vùi lấp nhiều người.

Về vấn đề thủy điện nhỏ, Thủ tướng cho rằng cần hạn chế thủy điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đặc biệt, đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, đều trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-chua-bao-gio-thien-tai-lai-don-dap-nhu-vay-o-viet-nam-post103764.html