Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị 'Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển'
Sáng 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị 'Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển' tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 1, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; các vị đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học… và hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” là sự khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thể hiện việc Hà Nội tiếp tục quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, với nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp vừa khống chế dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế Thủ đô sáu tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng 3,39%, có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng ký năm trước.
Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Trong đó có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng; 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án tăng gấp năm lần, số vốn tăng gấp 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Các dự án đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ; văn hóa - xã hội; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…
Đồng thời, TP Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD; giới thiệu danh mục 282 dự án mới với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi chứng kiến TP Hà Nội trao quyết định đầu tư cho 229 dự án. Chỉ cần 60% dự án đi vào thực hiện đã thành công rất lớn của Thủ đô, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Thành phố đã tiên phong, đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-9 và nay cũng đang rất chủ động, nỗ lực trên mặt trận khôi phục kinh tế.
Theo Thủ tướng, Hội nghị đã nhấn mạnh nội hàm “hợp tác” để cùng phát triển, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội. Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ những bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, thành phố đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn. Hiện thành phố đang có đầy đủ cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển. Thành phố cần tranh thủ tận dụng các cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ và một số cơ chế tài chính cho Hà Nội để Hà Nội phát triển nhanh bền vững...
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà Hà Nội còn đang tồn tại như chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững, chịu áp lực cạnh tranh với nhiều thủ đô khác. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện, nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư tầm cỡ; cải cách hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, công tác phối hợp thực thi công vụ chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng, dân số….
Thủ tướng cho rằng, Hà Nội cần hợp tác với các nước, với các địa phương, không chỉ thu hút đầu tư cho riêng mình mà cho cả các địa phương khác với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Không chỉ quan tâm, chú trọng các nhà đầu tư, dự án lớn, mà thành phố cũng cần quan tâm đến cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô, hộ kinh doanh, hợp tác xã làng nghề…
Thủ tướng cũng giao đầu bài cho Hà Nội phải cán đích nền kinh tế thu nhập cao trước thời điểm năm 2045 của cả nước từ 10 đến 15 năm. Với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà phải phấn đấu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông - Nam Á và tới đây là của Đông Á.