Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật 6 điểm nhấn của ngành Y tế trong năm 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: 'Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, đó là nhờ vào sự thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19'.

Ngày 6/1, tại Hội nghị ngành Y tế toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, phát biểu qua đó nhấn mạnh nhiều điểm nhấn đạt được của ngành Y tế trong một năm qua.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Năm 2020 qua đi với muôn vàn khó khăn, thách thức bởi đại dịch COVID-19 và kéo theo đó là sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội ở khắp nơi trên toàn thế giới nói chung và của đất nước ta.

Mặc dù vậy, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Đến thời điểm này có thể khẳng định với sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, với sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành tựu ngành y tế đạt được trong năm 2020 (ảnh TL).

Theo Thủ tướng, để có được thành quả tăng trưởng kinh tế của năm 2020, để Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, đó là nhờ vào sự thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19; là sự tham gia của các lực lượng y tế, quân đội, công an ở những khâu, những thời điểm trọng yếu, then chốt, không quản ngại hy sinh luôn “đi trước, về sau”.

Khi dịch xảy ra, ngành y tế đã thể hiện ý chí, sự đoàn kết nhất trí trong toàn ngành.

Nhiều tấm gương của ngành đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh và mới đây là hình ảnh của nhân viên y tế đã ngất vì làm việc quá sức tại khu cách ly, phải đưa đi cấp cứu...

Có được thành quả chống COVID-19 như hiện nay là tổng hòa ý chí của cả hệ thống chính trị, là sự ủng hộ, đoàn kết của cả dân tộc và tính hiệu quả của hệ thống y tế mà Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư từ trước đến nay.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm qua một số thành tựu nổi bật, có thể là kết quả của năm 2020, cũng có thể là kết quả của cả giai đoạn, như sau:

Thứ nhất, thành tựu nổi bật, được toàn Đảng, toàn Dân ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao, đó là góp phần quan trọng trong thành công chung của Việt Nam: KHỐNG CHẾ ĐẠI DỊCH COVID-19: đầu tiên phải kể đến là kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, cứu chữa người bệnh, chi viện, ứng phó kịp thời, hiệu quả cho các địa phương để giảm thiểu tối đa sự lây lan của dịch bệnh và thiệt hại về người.

Thứ hai, ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT TRONG Y TẾ đã có những bước tiến bộ đáng kể: Việt Nam là một trong 4 nước trên thế giới phân lập và nuôi cấy thành công virus corona chủng mới, là bước rất quan trọng trong công tác chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân COVID-19;

Đã tự sản xuất được bộ kit test chẩn đoán SARS-CoV-2 ngay tại Việt Nam với hiệu quả chẩn đoán chính xác rất cao, sản xuất được máy thở đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Ngày 21/1 tới đây, các đồng chí đưa vắc xin thứ hai và tháng 3 tới đưa vắc xin thứ ba vào thử nghiệm lâm sàng trên người.

Dù quá trình thử nghiệm trên người mới bắt đầu, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức, song cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.

Thứ ba, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; trong vòng 45 ngày đã hoàn thành kết nối với 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa và hết năm 2020 các đồng chí đã kết nối được 1.500 điểm cầu.

Thứ tư, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CHUYỂN ĐỔI SỐ tạo tiền đề quan trọng để để vận hành nền y tế thông minh.

Tại Hội nghị chuyển đổi số quốc gia trong thời gian từ 29 đến 30/12/2020 các đồng chí, quý vị đại biểu đã nghe kỹ về nội dung này, tôi không nhắc lại, chỉ nhấn mạnh: trong năm qua, Bộ Y tế đã quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi hoạt động của ngành từ cải cách thủ tục hành chính, phục vụ công việc chuyên môn, đến quản lý như: Y tế là một trong hai Bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh COVID-19;

Hoàn thành việc hoàn thiện hồ sơ quản lý sức khỏe cho 98 triệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã; quyết tâm thực hiện công khai minh bạch với hơn 60.000 dược phẩm, 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, gần 100.000 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ trên Cổng Công khai y tế.

Việc công khai này đồng thời còn là “thanh bảo kiếm” chữa lành các vết thương như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.

Thứ năm là những thành tựu nổi bật trong ngoại khoa và ghép tạng. Tôi rất vui mừng vì trong giai đoạn 2016 - 2020 hầu như năm nào ngành y tế cũng có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực này: Đó là ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Tp. Hồ Chí Minh;

Lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103, ghép tạng thành công tại Bệnh viện 108; Bệnh viện Việt Đức tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ghép tạng do chính Bệnh viện lập trong năm 2019 với 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng (năm 2019 là 01 tuần thực hiện 15 ca ghép tạng).

Tiếp tục lấy phương châm “người bệnh là trung tâm”, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng từ 80,8% năm 2018 lên 83,62%; của người bệnh ngoại trú tăng từ 74,8% năm 2018 lên 78,9%.

Thứ sáu, về dân số và chất lượng dân số, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.

(Chiều cao nam thanh niên là 168,1 cm và ở nữ là 156,2 cm - vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW đến năm 2025 là 168cm với nam và 156cm với nữ; chỉ tiêu đến năm 2030 là 168,5 cm với nam và 157,5 cm với nữ).

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi giảm xuống 19,6% (Nghị quyết 20-NQ/TW đến năm 2025 là dưới 20%), được coi là mức thấp theo phân loại của WHO.

Việt Nam liên tục duy trì bền vững mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong suốt 14 năm qua.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng và đã đạt 73,7 tuổi (Nghị quyết 20-NQ/TW đến năm 2025 là 74,5 tuổi và đến 2030 là 75 tuổi), đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Singapore. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống còn 13,9 phần ngàn (Nghị quyết 20-NQ/TW đến năm 2025 là dưới 12,5 phần ngàn);

Đây là những thành tựu đáng tự hào của đất nước, của ngành y tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là những bó hoa tươi thắm của ngành chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-neu-bat-6-diem-nhan-cua-nganh-y-te-trong-nam-2020-post112542.html