Thủ tướng Nhật Bản hủy công du nước ngoài vì cảnh báo 'siêu động đất'

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay đã hủy chuyến thăm 3 nước Trung Á dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/8, sau khi các nhà khoa học nghiên cứu động đất cảnh báo nước này có nguy cơ xảy ra siêu động đất.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ngày 8/8 đã phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh Rãnh Nankai, chỉ vài giờ sau khi một trận động đất có cường độ 7,1 độ richter làm rung chuyển ngoài khơi đảo Kyushu, tây nam Nhật Bản.

Theo cảnh báo của JMA, khả năng xảy ra siêu động đất là "cao hơn bình thường", nhưng điều này không có nghĩa là chắc chắn sẽ xảy ra động đất lớn. Tuy nhiên, nếu động đất lớn xảy ra, dự kiến sẽ có rung chấn mạnh và sóng thần lớn.

Theo lịch trình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ tới Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ vào ngày 9/8 và có kế hoạch tham dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực.

“Với cương vị Thủ tướng có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý khủng hoảng, tôi quyết định mình nên ở lại Nhật Bản trong ít nhất một tuần,” ông Kishida nói với các phóng viên.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Nikkei Asia

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Nikkei Asia

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rằng công chúng hẳn đang cảm thấy rất lo lắng sau khi JMA ban hành cảnh báo đầu tiên theo hệ thống mới. Hệ thống này được lập ra sau trận động đất mạnh 9,0 độ richter năm 2011, gây ra thảm họa sóng thần và hạt nhân chết người.

Nằm trên đỉnh của 4 mảng kiến tạo lớn, Nhật Bản chứng kiến khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm, hầu hết là các trận động đất nhỏ. Ngay cả với những trận động đất lớn hơn, các tác động thường được hạn chế nhờ vào các kỹ thuật xây dựng tiên tiến và các quy trình khẩn cấp được thực hiện tốt.

Chính phủ Nhật Bản trước đây từng ước tính có khoảng 70-80% khả năng xảy ra một siêu động đất trong vòng 30 năm tới dọc theo Rãnh Nankai. Đây là nơi từng chứng kiến nhiều cơn địa chấn lớn, thường xảy ra theo cặp, với cường độ lên tới 8 hoặc thậm chí 9 độ Richter. Siêu động đất có thể gây ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và đe dọa tới 300.000 sinh mạng trong trường hợp xấu nhất.

Một ngôi nhà bị sập sau trận động đất ở thị trấn Oosaki, tỉnh Kagoshima, miền nam Nhật Bản, ngày 9/8. Ảnh: Kyodo News

Một ngôi nhà bị sập sau trận động đất ở thị trấn Oosaki, tỉnh Kagoshima, miền nam Nhật Bản, ngày 9/8. Ảnh: Kyodo News

Các chuyên gia từ Earthquake Insights cho biết: "Mặc dù việc dự đoán động đất là không thể, nhưng việc xảy ra một trận động đất thường làm tăng khả năng xảy ra một trận động đất khác". Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng ngay cả khi nguy cơ xảy ra trận động đất thứ hai tăng cao thì "nó vẫn luôn ở mức thấp".

Vào ngày 1/1/2024, một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter và các dư chấn mạnh đã tấn công bán đảo Noto trên bờ biển Nhật Bản, khiến ít nhất 318 người thiệt mạng, làm sập các tòa nhà và phá hủy nhiều tuyến đường.

Năm 2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter dưới biển ngoài khơi đông bắc Nhật Bản đã gây ra trận sóng thần khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng hoặc mất tích. Thảm họa kép này đã gây ra sự cố hỏng hệ thống làm mát và làm nóng chảy lõi hạt nhân các lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-nhat-ban-huy-cong-du-nuoc-ngoai-vi-canh-bao-sieu-dong-dat-32225.html