Thủ tướng Nhật Bản tới Ấn Độ và Ukraine: Hai chuyến thăm đặc biệt

Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio tới Ấn Độ và Ukraine phản ánh mong muốn tăng cường vai trò của Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch G7 và xa hơn nữa.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida gặp và hội đàm cùng người đồng cấp Ấn Độ Modi tại New Delhi, ngày 20/3. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida gặp và hội đàm cùng người đồng cấp Ấn Độ Modi tại New Delhi, ngày 20/3. (Nguồn: AP)

Tại Ấn Độ, song song với gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi, ông Kishida đã công bố Kế hoạch mới về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) với bốn trụ cột: duy trì hòa bình, giải quyết các vấn đề toàn cầu mới qua hợp tác cùng các nước khu vực, xây dựng kết nối toàn cầu trên nhiều nền tảng khác nhau và bảo đảm an toàn cho vùng biển, bầu trời rộng mở.

Để triển khai bốn trụ cột này, nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết chi 75 tỷ USD cho khu vực tới năm 2030 thông qua đầu tư tư nhân, khoản vay bằng đồng Yen, song song với tăng cường viện trợ thông qua hỗ trợ và trợ cấp chính phủ. Đồng thời, Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với New Delhi trong củng cố, xây dựng sự ổn định ở Nam Á. Nhà lãnh đạo khẳng định: “FOIP là một tầm nhìn đang thu hút sự chú ý, khái niệm có tầm nhìn xa trông rộng nhằm bảo vệ pháp quyền và tự do”.

Cũng tại đây, Thủ tướng Kishida Fumio bất ngờ công bố ý định và tới thăm Ukraine ngay trong ngày 21/3. Tại đây, ông đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng tại thị trấn Bucha. Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo Nhật Bản công bố một gói viện trợ phi quân sự mới trị giá 30 triệu USD và viện trợ tái thiết 470 triệu USD, bên cạnh 7 tỷ USD đã triển khai trước đó.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại Kiev, ngày 21/3. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại Kiev, ngày 21/3. (Nguồn: Reuters)

Có một vài điểm thú vị trong hai chuyến công du này.

Trước hết, chúng cho thấy nỗ lực tăng cường sự hiện diện quốc tế của Nhật Bản trong năm nước này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7). Dù không thuộc G7, song Ấn Độ lại có vị thế quan trọng và hiện là Chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Với những gì đang diễn ra hiện nay, vấn đề Ukraine sẽ tiếp tục là trọng tâm thảo luận tại thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng Năm tới.

Tuy nhiên, hai chuyến thăm cho thấy hai câu chuyện khác nhau. Thời gian qua, ông Kishida Fumio đã đối mặt với sức ép nội bộ cũng như từ phần còn lại của G7 về công du Ukraine trong năm Nhật Bản đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của khối. Vì thế, chuyến thăm Kiev ngày 21-22/3 góp phần giải tỏa phần nào áp lực cho nhà lãnh đạo này. Đồng thời, gói viện trợ được công bố tại đây cũng khẳng định cam kết của Nhật Bản với Ukraine dù khác với phần còn lại của G7, nó chỉ cung cấp các nhu yếu phẩm, mặt hàng, trang thiết bị phi quân sự.

Trong khi đó, chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio tới Ấn Độ và FOIP lại hướng tới tầm nhìn dài hạn trong chiến lược “phía Nam toàn cầu”.

Chẳng phải ngẫu nhiên, New Delhi được ông chọn làm nơi công bố chiến lược đặc biệt này. Trước hết, đó là nỗ lực xoa dịu đất nước Nam Á sau khi Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa phải bỏ họp tại đây hồi đầu tháng để góp mặt tại Quốc hội. Đồng thời, sự lựa chọn này có ý nghĩa lịch sử bởi như ông Kishida nêu, đây là nơi cố Thủ tướng Abe Shinzo lần đầu tiên gắn kết khái niệm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với nhau năm 2016, cơ sở phát triển tầm nhìn FOIP ngày nay.

Quan trọng hơn, giữa tuần trước, Tokyo đã công bố Sách trắng về “phía Nam toàn cầu” (Global South). Đây là thuật ngữ chỉ chung các nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, thay cho “thế giới thứ ba”, vốn dùng để chỉ các nước không ngả theo Mỹ hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Theo đó, Nhật Bản nhấn mạnh cam kết phát triển quan hệ và hỗ trợ những quốc gia này.

Trong số đó, Ấn Độ nổi lên như một nước chủ chốt với tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự ngày càng lớn. Vì thế, Tokyo mong muốn củng cố mối quan hệ với thành viên cùng thuộc Bộ tứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn chiến lược của mình, hướng tới xây dựng mạng lưới các nước chung sự “đồng điệu” về lợi ích.

Qua đó, ông Kishida mong muốn kế thừa “ngoại giao đa hướng” trước đó và phát triển thành “ngoại giao hiện thực chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới”, với Nhật Bản đóng vai trò chủ động, tích cực hơn trong thế giới vô vàn biến động hiện nay.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-nhat-ban-toi-an-do-va-ukraine-hai-chuyen-tham-dac-biet-220864.html