Thủ tướng Pakistan bị phế truất, cáo buộc Mỹ đứng sau
Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, sau khi bị nhiều người cùng đảng bỏ rơi vì cáo buộc không xử lý được khủng hoảng kinh tế và thất bại trong thực hiện những lời hứa lúc tranh cử.
Nhà lãnh đạo 69 tuổi bị loại bỏ sau 3 năm rưỡi lãnh đạo quốc gia hạt nhân với 220 triệu dân, nơi quân đội cầm quyền gần một nửa thời gian trong gần 75 năm lịch sử.
Quốc hội Pakistan sẽ họp vào ngày 11/4 để bầu thủ tướng mới.
Cuộc bỏ phiếu ngày 10/4 diễn ra sau nhiều lần trì hoãn vì những phát biểu dài dòng của các thành viên trong đảng của ông Khan, cho rằng đây là âm mưu của Mỹ nhằm lật đổ vị chính trị gia xuất thân từ ngôi sao cricket.
Các đảng đối lập giành được 174 phiếu từ tổng số 342 ghế trong quốc hội để có thể loại bỏ ông Khan.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi ông Qamar Javed Bajwa, một vị tướng đầy quyền lực của quân đội, có cuộc gặp ông Khan, các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Ứng viên sáng giá cho vị trí thủ tướng tiếp theo là Shehbaz Sharif. Ông Sharif nói rằng việc ông Khan bị loại bỏ là cơ hội cho một khởi đầu mới.
“Bình minh ngày mới đã đến… Liên minh này sẽ tái thiết Pakistan”, ông Sharif, 70 tuổi, phát biểu trước quốc hội.
Ông Sharif là em trai của cựu thủ tướng 3 nhiệm kỳ Nawaz Sharif, là người nổi tiếng làm việc hiệu quả.
Bầu cử quốc hội đáng lẽ diễn ra vào tháng 8/2023, nhưng phe đối lập đòi tiến hành sớm.
Việc ông Khan bị phế truất kéo dài bất ổn chính trị của Pakistan: Không thủ tướng nào hoàn thành được nhiệm kỳ của mình từ khi đất nước độc lập khỏi Anh vào năm 1947. Ông Khan là người đầu tiên bị phế truất bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông lên nắm quyền từ năm 2018 với sự ủng hộ của quân đội, nhưng gần đây đánh mất đa số trong quốc hội sau khi nhiều thành viên cùng đảng ra đi.
Quân đội Pakistan ủng hộ ông Khan và chương trình nghị sự mang tính báo thủ khi ông mới đắc cử, nhưng sự ủng hộ đó suy giảm sau khi nhà lãnh đạo này thất bại trong việc bổ nhiệm người đứng đầu ngành tình báo và khủng hoảng kinh tế xảy ra.
Ông Khan cáo buộc Mỹ ủng hộ nỗ lực lật đổ ông vì ông từng thăm Mátxcơva và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Washington bác bỏ điều này.
Trong suốt nhiệm kỳ, ông Khan có thái độ đối kháng Mỹ, với việc hoan nghênh lực lượng Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm ngoái và thúc giục cộng đồng quốc tế làm việc với chính quyền này.