Thủ tướng: Phải làm những dự án lớn, xoay chuyển tình thế ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ cũng góp ý, Đồng bằng sông Cửu Long cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng, tạo ra không gian phát triển mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế của người dân để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế-xã hội.
Các đại biểu Quốc hội đều đồng tình, năm 2023 nói riêng và nửa nhiệm kỳ nói chung, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội chưa từng có tiền lệ; những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, đáng mừng trên nhiều lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Cùng với những kết quả nổi bật đạt được trong giữ vững kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long bày tỏ ấn tượng mạnh về những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thi công các công trình trọng điểm, nhất là việc hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều công trình cao tốc đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ góc độ của mình, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh mong muốn Chính phủ dành sự quan tâm hơn nữa trong thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần kết nối liên vùng, tăng khả năng giao thương, mở rộng thị trường, tạo không gian, động lực phát triển mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong phòng chống, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở ở khu vực này.
Chi 4.000 tỷ giúp Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó sụt lún, sạt lở
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long.
"Nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, xu hướng bây giờ là sản xuất xanh, tiêu thụ xanh, nên phải có quy hoạch, có các dự án lớn, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, tình thế, nhưng cũng phải xây dựng dự án lớn, ngăn chặn được những vấn đề tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở đó, cần huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay, làm cho bài bản, hiệu quả, kịp thời, trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đề cập đến việc nguồn lực đi vay hiện nay, theo Thủ tướng, thủ tục cần phải đổi mới, cải tiến, đơn giản thông thoáng nhanh và kịp thời, nếu không sẽ kéo dài, lãng phí nguồn lực.
"Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng đi vay rồi làm lặt vặt, dàn trải không hiệu quả, mà phải tập trung vào 4 vấn đề lớn là chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặt và chống hạn hán.
Nếu đã đi vay phải làm những dự án lớn, xoay chuyển được tình thế, chứ không phải làm lặt vặt, manh mún, chia cắt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát triển hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng
Bên cạnh đó, Thủ tướng góp ý với Đồng bằng sông Cửu Long cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao thông, tạo ra không gian phát triển mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế của người dân để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng cũng thông tin, hiện hai trục giao thông chính là trục Bắc – Nam, từ TP HCM qua Cần Thơ xuống Cà Mau và trục Đông Tây từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang đến An Giang đang quyết liệt hoàn thành và "phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này".
Về hàng không, Thủ tướng lưu ý, các sân bay phải được củng cố, nâng cấp lên. Ví dụ như sân bay Cà Mau còn khó khăn, phải nâng cấp để tạo ra sự thay đổi. Đường cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì Cà Mau rất khó phát triển, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, hệ thống đường sắt hiện cũng đã có quy hoạch, vấn đề bố trí nguồn lực thế nào để làm. Ngân sách Trung ương phải chủ đạo cả về thu và phân bổ ngân sách, liên kết vùng, liên kết tỉnh.
"Chúng ta có khả năng làm được, vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn quyết tâm, thấy đúng rồi phải huy động nguồn lực để làm", Thủ tướng nhấn mạnh.