Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bối cảnh khó khăn là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường

(LĐ online) - Sáng 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và quý I/2025 trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng

Chủ trì trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy: Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Võ Ngọc Hiệp, Nguyễn Ngọc Phúc, Đinh Văn Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đánh giá tình hình thế giới có nhiều phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng phức tạp, mạnh mẽ và nhạy cảm hơn. Đặc biệt, vừa qua Mỹ công bố chính sách thuế quan rất cao; căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump; Thủ tướng gặp gỡ các nhà đầu tư, giải quyết nhu cầu chính đáng của phía Mỹ, nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu...

Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, mỗi khi gặp khó khăn hay gặp các cú sốc bên ngoài đều ứng phó với tinh thần sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là nông nghiệp. Văn hóa xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân được nâng lên, chỉ số xếp hạng hạnh phúc tăng vượt bậc.

Quang cảnh tại điểm cầu Lâm Đồng

Quang cảnh tại điểm cầu Lâm Đồng

Tại phiên họp các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 3 và Quý I, một số nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo trong tháng 4 và thời gian tới. Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và báo cáo chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ năm 2020. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực. Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, dịch vụ tăng 7,67%.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 được truyền trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 được truyền trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro, công tác an sinh xã hội có thể đối mặt với nhiều thách thức.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) đạt trung bình là 83,94%; tăng 1,28% so với năm 2023. 5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng trong năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả. Các địa phương đã rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025.

Kết luận phiên họp, điểm lại 10 nhóm kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực, trong đó, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, một số khó khăn, thách thức, hạn chế như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, rủi ro gia tăng do Hoa Kỳ áp thuế quan đối ứng đột ngột; tăng trưởng GDP quý I cao hơn kịch bản ban đầu, nhưng thấp hơn kịch bản đã điều chỉnh, giải ngân đầu tư công thấp hơn cùng kỳ…

Cùng với đó phải nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”; “làm việc nào ra việc đấy; làm việc nào dứt việc đó”.

Đặc biệt, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; phát huy sức mạnh đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực với quan điểm: “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị tham dự trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tại điểm cầu Lâm Đồng

Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị tham dự trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tại điểm cầu Lâm Đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương 2 cấp, sửa đổi Hiến pháp, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV; chuẩn bị các đề án, báo cáo kịp thời, chất lượng theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Theo đó, từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị tham dự trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tại điểm cầu Lâm Đồng

Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị tham dự trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tại điểm cầu Lâm Đồng

Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế; xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư quốc gia; khẩn trương trình Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng và tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó lưu ý bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, xuất khẩu nông sản, hỗ trợ triển khai các công trình trọng điểm quốc gia; tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả,..

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/tin-moi-nong/202504/thu-tuong-pham-minh-chinh-boi-canh-kho-khan-la-co-hoi-co-cau-lai-nen-kinh-te-co-cau-lai-thi-truong-fa16f57/