Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế
Sáng 21/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Những năm qua, nước ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. Chính phủ đã điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sáng tạo các giải pháp, chính sách để chủ động thích ứng với tình hình, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh trước ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Năm 2024, Việt Nam đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu; tăng trưởng ước đạt 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế, là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, Chính phủ đã chủ động phấn đấu và trình Trung ương Đảng, Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Thời gian tới là giai đoạn có ý nghĩa then chốt để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Trong năm 2025, thực hiện nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức thực hiện hiệu quả.Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các ngành, địa phương; nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích dự báo sát xu hướng, trên cơ sở xác định nhiệm vụ trọng tâm cho đúng, trúng. Xây dựng cơ chế chính sách, nhanh chóng thực thi nhiệm vụ, vận dụng sáng tạo tại địa phương; đẩy mạnh chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tăng năng suất tổng hợp.
Bên cạnh đó, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ.Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện thể chế thông thoáng.
Thí điểm cơ chế chính sách vượt trội cho từng vùng đặc thù; sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi. Tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân; có chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; hỗ trợ xử lý tốt các vấn đề tranh chấp thương mại, thúc đẩy dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ logistics. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các dự án; xử lý vấn đề phát sinh trong cả ngắn hạn, dài hạn. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu…