Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan
Chiều 17/1, tại thủ đô Warsaw, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan. Cùng dự có Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan Krzysztof Paszyk và Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế; giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực hợp tác mà bên này có thế mạnh, bên kia có nhu cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan Krzysztof Paszyk, Ba Lan đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nửa đầu năm 2025; là nước sản xuất nông nghiệp lớn, Ba Lan hoàn toàn có thể đáp ứng các nông sản nhập khẩu của Việt Nam...
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan mong muốn các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội; mong muốn phát triển quan hệ thương mại cân bằng hơn giữa Việt Nam và Ba Lan. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan Krzysztof Paszyk khẳng định, Ba Lan không ngừng nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho xuất khẩu. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, thời gian tới, Ba Lan sẽ phê chuẩn Hiệp định EVIPA, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho thương mại hai bên. Ba Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế cả thương mại và đầu tư…
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Ba Lan được coi là trung tâm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sản xuất công nghiệp như đóng tàu, chế tạo cơ khí. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh dân số đông, lao động trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh về công nghệ, có sẵn mặt bằng phục vụ sản xuất…
Thời gian qua, hợp tác thương mại song phương đạt nhiều kết quả tích cực, luôn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên những kết quả đạt được trong kinh tế, thương mại và đầu tư chưa tương xứng tiềm năng. Những nền kinh tế có độ mở lớn như Ba Lan và Việt Nam cần tăng cường hợp tác...
Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Chính phủ, các bộ, ngành Ba Lan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; Việt Nam cam kết hỗ trợ cho các cộng đồng doanh nghiệp Ba Lan làm ăn thuận lợi. Ngược lại, Việt Nam mong muốn Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn thành công ở thị trường Ba Lan.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, 75 năm qua, thế giới có nhiều thay đổi nhưng tình cảm giữa hai dân tộc Việt Nam và Ba Lan vẫn nguyên vẹn, chân thành, quý mến, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Do đó, có nhiều việc phải làm để không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, đất nước. Đây vừa là mệnh lệnh của trái tim, suy nghĩ của khối óc, vừa là lợi ích của nhân dân, của hai đất nước đóng góp vào hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thủ tướng, hai nước đã và đang xúc tiến tham gia nhiều cơ chế hợp tác như: Cùng tham gia Hiệp định EVFTA, đang tiến tới hoàn thành phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)...; đề nghị các doanh nghiệp tận dụng, khai thác các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, hai khu vực.
Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm này, Thủ tướng có các cuộc hội kiến, hội đàm, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Ba Lan. Hai bên đều bày tỏ sự quý mến, chân thành, tin cậy lẫn nhau và nhất trí thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau; đặc biệt, nhân định quan hệ kinh tế chưa tương xưng với quan hệ hai nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp hai nước cần tăng cường kết nối; chia sẻ kinh nghiệm, xác định các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau, góp phần kết nối hai nền kinh tế. Đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ có trách nhiệm dẫn dắt, tạo cơ chế chính sách, niềm tin cho các nhà doanh nghiệp hợp tác, phát triển.
Trong đó, Việt Nam tập trung xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng các luật, cơ chế, chính sách; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư công nghệ cao, sức khỏe, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đồng thời, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng và đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung những lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… Tập trung vào những ngành điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI); đang thúc đẩy đầu tư chương trình đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành bán dẫn.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 7%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách dưới mức kiểm soát.
Thời gian tới, Việt Nam thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới vào những ngành có hàm lượng khoa học, đổi mới sáng tạo cao hơn; cơ cấu lại các ngành nghề sản xuất theo hướng này. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hoạt động hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào. Nỗ lực hết mình cho đất nước Ba Lan và Việt Nam, coi trọng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng.