Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Tối nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957- 15/6/2022; 15 năm thành lập thành phố Hà Tĩnh (28/5/2007-28/5/2022).

Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, địa phương; các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Toàn cảnh buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ.

Tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động ôn lại lịch sử hào hùng và truyền thống tốt đẹp của Hà Tĩnh. “Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh - Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La”… những ca từ đó đã nói lên tình cảm của biết bao nhiêu người với quê hương Hà Tĩnh nhân Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022).

Thủ tướng chia sẻ, nhớ về Hà Tĩnh - nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh. Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15 tháng 6 năm 1957 là mốc son trong trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước khi được đón Bác về thăm. Bác đã để lại những bài học sâu sắc với Hà Tĩnh về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên, giữ gìn truyền thống văn hóa, cố gắng sản suất, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với đồng bào miền Nam…

Đặc biệt, Bác căn dặn cặn kẽ, sâu sắc với Đảng bộ Hà Tĩnh “phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Có việc mình không biết, nhưng quần chúng biết. Và biết tổ chức cho khéo thì nhất định việc gì cũng làm được, nhất định đưa phong trào nổi bật lên”. Bác rất vui mừng biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh là tỉnh “kiểu mẫu thi đua”, “thanh toán nạn mù chữ trước nhất cả nước”; có nhiều tiến bộ làm giao thông, thủy lợi..., biểu dương các tấm gương cán bộ, nhân dân tiêu biểu trong phong trào bình dân học vụ, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động, tích cực xây dựng tổ đổi công v.v.

Đồng thời, Bác nhắc nhở ân cần, phê bình có nơi chưa đoàn kết; có cán bộ giữ gìn kỷ luật chưa nghiêm, trách nhiệm với nhân dân chưa cao, thiếu khiêm tốn, quan cách mạng… Hôm nay những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và lan tỏa sâu rộng.

65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc sâu và cố gắng làm tốt những lời căn dặn của Bác, đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu đó góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

"Từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu hạ tầng KTXH ngày càng hoàn thiện, đô thị hiện đại, văn minh, nông thôn đổi mới, tươi đẹp; sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, quy mô kinh tế vươn lên mức khá, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy.

Là vùng đất hiếu học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Hà Tĩnh luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo và đạt nhiều kết quả", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch, liên kết vùng và quốc tế, phát triển kinh tế số; khai thác các nguồn lực như nguồn nhân lực, đất đai, du dịch gắn với văn hóa còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng…

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Với tinh thần dựa vào nội lực như con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn, công nghệ, quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng đề nghị cán bộ, Đảng viên và nhân dân tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm: "Tôi tin rằng, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” của Bác sẽ là mạch nguồn, kim chỉ nam dẫn đường cho suy nghĩ và hành động của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh. Cần không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo phải sâu sát cơ sở, biết dựa vào dân, lắng nghe nhân dân và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX và các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, đô thị thông minh. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh; tập trung thu hút các dự án đầu tư mà tỉnh có nhu cầu và lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch theo hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò chủ động của nguồn lực địa phương và xã hội để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu, cảng biển, logistics, thích ứng biến đổi khí hậu,văn hóa, xã hội. Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo làm động lực để thu hút đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khai thác hiệu quả tiềm năng cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương; triển khai chất lượng, bảo đảm tiến độ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, phát huy lợi thế là cửa ngõ quan trọng của hành lang Đông - Tây. Tập trung nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Thực hiện Đề án xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng; phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Hà Tĩnh. Khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển dịch vụ, du lịch, đặc biệt du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch gắn với văn hóa.

Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống đoàn kết, lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường, cầu thị, ham học hỏi của con người Hà Tĩnh. Gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội.

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới với Lào.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin Covid-19, sớm hoành thành các mục tiêu Chính phủ đề ra; tập trung nguồn lực phục hồi và phát triển KTXH, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, kết nối các chuỗi cung ứng và thị trường, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu KTXH trong năm 2022 và thời gian tới.

Thủ tướng nói thêm: "Tại buổi nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh năm 1966 tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn và tin tưởng, với truyền thống văn hóa, cách mạng, ý chí kiên cường, vươn lên từ gian khó của mảnh đất được khắc họa trong những câu thơ của tác giả Nguyễn Bùi Vợi:

“Gió Lào thổi rạc bờ tre

Từ trong giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Chắt từ đá sỏi đất cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em”

Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng"./.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-le-ky-niem-65-nam-ngay-bac-ho-ve-tham-ha-tinh-post949855.vov