Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hòa Bình còn thiếu 1 con đường xứng tầm để kết nối với Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông Hòa Bình đã có cải thiện nhưng vẫn còn thiếu 1 con đường xứng tầm để kết nối với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, các cảng hàng không, cảng biển...

Chiều 26/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình, kết quả phát triển KTXH năm 2022, những tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Hạ tầng chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu

Báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, năm 2022 đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát. Thu NSNN đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 14,2%.

Tháng 1/2023, mặc dù là tháng Tết, số ngày làm việc trong tháng chỉ còn khoảng 2/3, nhưng tình hình KTXH của Hòa Bình vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,21% so với tháng 12/2022; doanh thu bán lẻ tăng 45,4% so với cùng kỳ.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với những thành tích, kết quả phát triển KTXH và thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng và các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình. Trong đó, mặc dù tốc độ phát triển du lịch khá cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt động còn ít (hiện có khoảng trên 2.300 doanh nghiệp). Môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm được cải thiện (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp gần cuối, thứ 62/63 địa phương cả nước)...

 Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ

Qua phân tích về những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hòa Bình, Thủ tướng khẳng định, Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hòa Bình vào ngày 22/3/2022.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đặt vấn đề, Hòa Bình cũng là một tỉnh cửa ngõ Thủ đô như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc..., từ khi đổi mới thì Hòa Bình so với các tỉnh này mức độ phát triển khác nhau như thế nào và tại sao? Thủ tướng và các đại biểu cho rằng, Hòa Bình còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông Hòa Bình đã có cải thiện nhưng vẫn còn thiếu 1 con đường xứng tầm để kết nối với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, các cảng hàng không, cảng biển...

Theo Thủ tướng, khi nguồn lực có ít, thời gian có hạn, hạ tầng chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo, thời gian, nguồn lực..., lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, những công việc, công trình mang tính chất "đòn bẩy, điểm tựa", hiệu quả lan tỏa cao, chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài.

 Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh.

Cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh Hòa Bình cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.

Thủ tướng chỉ rõ, cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội vừa khởi công, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình để đưa Hòa Bình về gần hơn với Hà Nội, với cảng hàng không, cảng biển…; cao tốc Hòa Bình – Sơn La với hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, đúng chuẩn cao tốc.

 Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Cũng tại cuộc làm việc, Hòa Bình đề xuất và lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu ý kiến về các kiến nghị thuộc 2 nhóm: Các chương trình, dự án và cơ chế, chính sách. Về các kiến nghị này, Thủ tướng đồng ý chủ trương và đề nghị các cơ quan khẩn trương triển khai việc lập hồ sơ 2 di tích: Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh xây dựng đề án, dự án cụ thể để xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt cổ; di dời và xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh tại vị trí mới đã được quy hoạch… để cân đối, tính toán cụ thể nguồn lực Trung ương và địa phương.

Cùng với đó, Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý đề xuất của tỉnh về việc giao tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc theo hình thức PPP.

Thủ tướng cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan và EVN nghiên cứu, tính toán cơ chế, chính sách phù hợp dành cho Hòa Bình liên quan tới việc vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoa-binh-con-thieu-1-con-duong-xung-tam-de-ket-noi-voi-ha-noi-post236944.html