Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực cho phát triển xanh

Chiều 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.

Dự phiên họp có: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Theo Ban Chỉ đạo, ngay sau khi tham dự COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị.

Kể từ khi thành lập vào tháng 12-2021 đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức 3 phiên họp, thảo luận, thống nhất ý kiến làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu... Các Bộ trưởng, thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động của ngành với những chỉ tiêu cụ thể triển khai cam kết tại COP26.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Cùng với đó, công tác truyền thông được quan tâm chỉ đạo, thực hiện qua nhiều hình thức thiết thực góp phần quan trọng để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chủ động đàm phán với các đối tác và các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp.

Việt Nam đã đàm phán thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia G7. Các địa phương cũng đã vào cuộc, tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, triển khai nhiều hoạt động tại địa phương, cơ sở.

Đối với việc triển khai JETP, đến nay đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án triển khai JETP với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về: hoàn thiện thể chế; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành Giao thông vận tải; bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng…

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo và các doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau phiên họp thứ 3, hướng đến mục tiêu chung là thực hiện một cách trách nhiệm, hiệu quả, thiết thực cam kết của Việt Nam tại COP26, đóng góp vào phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, những hạn chế cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa như việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để ưu tiên cho chuyển đổi xanh, phát triển xanh còn chậm, chưa chủ động, trong đó có quy định liên quan tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen…

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Đây cũng là cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban chỉ đạo và các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được nêu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26.

Các bộ, ngành sớm hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; thu hút nguồn lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường; bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả theo yêu cầu của Ban chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan vào cuộc mạnh mẽ triển khai thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố JETP, xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; chủ động và tích cực trao đổi, thảo luận với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các bên liên quan.

Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính như: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo đúng quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; tổ chức đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26...

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, tạo quyết tâm cao, hành động thống nhất và duy trì động lực trong việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và chuyển đổi năng lượng công bằng.

*Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo COP26 đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ra mắt Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Ban Thư ký do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm Trưởng ban; các Phó trưởng ban và các thành viên Ban Thư ký là lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tin, ảnh: TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoan-thien-the-che-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-xanh-734571