Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát công trình thủy lợi tại Ninh Thuận
Sáng 28/4, tiếp tục chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát các công trình thuộc Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ nhằm tìm hiểu việc bảo đảm nước tưới tiêu và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, nhất là dịp cao điểm nắng nóng này.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 25/4, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 165,11 triệu m3, đạt 39,5% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 14,7% và năm 2023 là 20,4%).
Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước (gồm hồ CK7 và Ông Kinh); có 3/23 hồ đã xuống dưới mực nước chết (gồm các hồ Sông Biêu, Suối Lớn và Bầu Ngứ). Sẽ có 4/23 hồ trong thời gian tới sẽ hạ thấp tới mực nước chết gồm: Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn và Lanh Ra.
Hồ Đơn Dương mực nước ở cao trình 1.033,03m, tương đương dung tích 89,45 triệu m3, đạt 54,2% so với dung tích thiết kế (cao hơn cùng kỳ các năm: năm 2022 là 14,6% và năm 2023 là 18,9%).
Báo cáo cho biết, người dân sống ở khu vực hạn nặng gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nguy cơ dịch bệnh gia súc do thiếu nước uống, thiếu thức ăn, nhiều diện tích cây trồng dừng sản xuất trong vụ Hè thu 2024 do thiếu nước, người dân không sản xuất bị thiếu lương thực, cụ thể: từ nay đến tháng 5/2024, nếu trên địa bàn tỉnh không có mưa thì 6 khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt với 5.288 hộ/17.503 khẩu, tại các nhà máy cấp nước sinh hoạt như sau: Nhà máy cấp nước Cầu Gãy-Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải; Nhà máy cấp nước Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn; Nhà máy cấp nước Ma Lâm, huyện Bác Ái; Nhà máy cấp nước Phước Bình, huyện Bác Ái; Nhà máy cấp nước xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; Nhà máy cấp nước Tập Lá, huyện Thuận Bắc.
Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa nên vụ Hè thu sẽ sản xuất theo phương án với tổng diện tích 23.460,5ha, chỉ đạt 75,6% so với vụ Hè thu năm 2023 (31.050ha).
So với cùng kỳ năm 2023, diện tích dừng sản xuất 7.589,5ha, trong đó cây lúa: 2.692ha; cây màu: 4.897,5ha.
Tính đến nay, tổng đàn gia súc: 514.972 con, đạt 86,5% so kế hoạch năm 2024. Trong đó: Gia súc có sừng: 342.816 con, cụ thể: Đàn trâu 3.885 con, đàn bò 121.350 con, đàn dê 121.739 con, đàn cừu 95.842 con, đàn heo 172.156 con. Đàn gia cầm: 2.059 ngàn con, đạt 79,2% so kế hoạch và giảm 8,3% so cùng kỳ.
Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm, tai xanh heo, dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại trên động vật cơ bản được kiểm soát tốt không xảy ra dịch bệnh.
Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh xảy ra, tiêm phòng vaccine, dự trữ thức ăn cho gia súc, hướng dẫn người dân chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp nhằm bảo đảm duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có phương án hỗ trợ để Ninh Thuận phát triển hệ thống thủy lợi này, do đó cần quy hoạch lại hệ thống hồ của tỉnh, khai thác liên thông để điều tiết nước hiệu quả, phù hợp cho tưới tiêu; tạo hệ thống liên thông dẫn nước bảo đảm nước canh tác, sinh hoạt cho nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ đập chứa nước.
Nói chuyện với bà con, công nhân đang thi công hệ thống thủy lợi, Thủ tướng cảm ơn bà con vì việc này góp phần bảo đảm nước tưới tiêu, sinh hoạt, có ý nghĩa lớn. Thủ tướng mong hoàn thành công trình sớm bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đến tìm hiểu đời sống của bà con trong vùng dự án ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Thủ tướng cho rằng sản xuất đang tự cung tự cấp, do đó cần liên kết lại để sản xuất theo chuỗi như chăn nuôi bò, cừu, dê, nên khai thác hiệu quả đất.
Thủ tướng gợi ý bà con nên hình thành hợp tác xã để làm ăn quy mô hơn, có chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị cao hơn; tiếp đó cần xây dựng thương hiệu của xã, việc kinh doanh cần có doanh nghiệp đầu tư vào, cần có hỗ trợ để ứng dụng khoa học công nghệ; có sự vào cuộc của ngân hàng trong hỗ trợ vốn. Cấp ủy chính quyền phải “xắn tay vào cuộc cùng với dân làm việc này. Chúng ta cần đổi mới, không sản xuất manh mún nữa".
Thủ tướng cho biết, qua khảo sát thấy rõ cần tích cực xử lý vấn đề thủy lợi. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên phát triển, gỡ điểm nghẽn cho Ninh Thuận về nước. Đảng, Nhà nước chăm lo việc này nhưng lưu ý bà con cũng phải góp công sức