Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số dự án, công trình tại Sơn La
Ngày 28/5, nhân chuyến công tác tại Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, khảo sát một số công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La; thị sát dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tỉnh Sơn La tại điểm cuối tuyến (nút giao với quốc lộ 43, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu).
Trước đó, tối 27/5, ngay sau khi tham dự kỳ họp Quốc hội và tiếp Giám đốc Tập đoàn Intel, Thủ tướng đã đi thị sát thực tế hiện trường dự án cao tốc này tại điểm đầu tuyến (tiếp nối với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trên địa bàn phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km (đi qua thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc) và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36 km (đi qua huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu). Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Sơn La, các bộ, ngành Trung ương báo cáo về phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này, các đề xuất, kiến nghị.
Tại các buổi thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm tham gia của các bên trong triển khai dự án. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, cùng với Trung ương nghiên cứu phương án bố trí, thu xếp nguồn vốn cho dự án phù hợp các đoạn tuyến. Các địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, dồn nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa phối hợp vừa thi đua để thực hiện các công việc, sẵn sàng triển khai dự án khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thủ tướng cũng lưu ý, việc xây dựng cầu Hòa Sơn trên tuyến cao tốc này phải bảo đảm cả yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, để cây cầu trở thành điểm nhấn đẹp trên sông Đà. Việc này không làm tăng nhiều chi phí nhưng sẽ mang lại giá trị lớn cho hoạt động du lịch; việc thi công có thể thêm ngày, thêm tháng, nhưng sẽ tạo thêm giá trị trong hàng trăm năm. Thủ tướng nêu rõ, vùng Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông do điều kiện hạ tầng, nên đòi hỏi đầu tư lớn. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng thêm các nút giao phù hợp để khi tuyến đường này hoàn thành thì giá trị đất đai tăng lên, tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... cho khu vực.
Việc hoàn thành dự án cao tốc này sẽ giúp thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là đường độc đạo; cùng với các dự án khác để cơ bản hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, để các địa phương trong vùng có đường ra biển thuận tiện hơn, có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới, góp phần thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công-tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án theo hình thức này gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã kiến nghị dừng thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công.
Trong tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 465/QĐ-TTg về việc dừng thực hiện dự án này theo phương thức PPP; giao Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Hòa Bình chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dừng triển khai dự án PPP; có phương án xử lý dứt điểm đối với các nội dung công việc đã thực hiện của dự án trước đây, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp quy định của pháp luật hiện hành (trong đó có hình thức đầu tư công) để tiếp tục triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch (nghiên cứu kế thừa các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật).
* Cũng trong sáng 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực tế, nghe báo cáo việc triển khai quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, trong đó có Khu dịch vụ cửa ngõ của trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu.
Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các công việc đã bố trí được vốn, huy động các nguồn lực, trước hết là cho kết nối hạ tầng giao thông và hạ tầng điện, nước..., từ đó thu hút các nhà đầu tư. Thủ tướng biểu dương bà con đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Đánh giá vấn đề khó khăn nhất với địa phương là giao thông, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, du khách tới vùng đất đầy tiềm năng này.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót có quy mô 1.800 ha, sản xuất tập trung các loại cây ăn trái: xoài, nhãn, mận hậu, thanh long, là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Tại mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót, báo cáo Thủ tướng, người dân cho biết hiện có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã trồng xoài với diện tích hơn 70 ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi ha, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…
Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.
Thủ tướng đánh giá việc "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất.
Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…
Như bà con chia sẻ, "trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bà con cũng cho biết, một "bí quyết" để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn - Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này. Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…
"Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
* Thủ tướng cũng đi kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đầu tư tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 9 ha, là tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay: nhà máy chế biến nước quả cô đặc, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp công nghệ Italia, Nhật Bản, Đức, sử dụng nguồn nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La. Bước đầu, nhà máy Doveco đầu tư có mức 500 tỷ đồng nhưng sẽ có 30 nghìn nông dân hưởng lợi nhờ nhà máy.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tạo ra thương hiệu thì mới xuất khẩu được, giá trị sản phẩm mới được nâng cao; phải quy hoạch vùng nguyên liệu 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; phải nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị đầu tư; ngân hàng phải vào cuộc để hỗ trợ về vốn; phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm; có công nghệ sau thu hoạch.
Chúng ta nên tăng cường chế biến bởi rau quả đến mùa vụ sẽ có sản lượng lớn, điều này góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng rau củ quả; từ đó giúp người nông dân nâng cao nâng suất - Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong Doveco tiếp tục mở rộng thêm các nhà máy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của người nông dân. Các cấp chính quyền tỉnh Sơn La phải ủng hộ doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Cảng hàng không Nà Sản. Tại đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng và đề xuất phương án đầu tư Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng xây dựng sân bay Nà Sản thì kết nối được Sơn La với cả nước, lợi ích rất rõ.
Chúng ta sẽ có điều kiện phát triển các đường bay thuận lợi, giá cả cạnh tranh, người dân được hưởng lợi; đồng thời kết nối giao thông vùng và toàn quốc, tăng giá trị, hiệu quả hoạt động kinh tế-xã hội. Về xã hội rất rõ, khi đó, giao lưu văn hóa được khai thác tối đa. Tỉnh Sơn La sản xuất nhiều rau củ quả, thì đường hàng không vẫn là thuận lợi nhất, góp phần mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng - Thủ tướng nói.
Một tỉnh mở được sân bay thì sẽ khác hẳn. Nhu cầu ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. Do đó, việc khôi phục lại sân bay Nà Sản là hết sức cần thiết. Rõ ràng chúng ta phải quyết tâm bố trí vốn để đầu tư - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc đầu tư dự án rất khả thi vì một số công trình đã sẵn có. Khi hoàn thành sẽ có thêm một phương tiện giao thông lên vùng Tây Bắc và cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đây cũng là yêu cầu đặt ra của Sơn La.