Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban thường trực và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Phó Trưởng ban.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Tài chính; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ chủ quản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao.

Theo quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số; là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển tại một số quốc gia. Tuy nhiên do bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khiến xảy ra tình trạng khan hiếm chíp bán dẫn và xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bán dẫn, trong đó Việt Nam được xác định là một trong số ít quốc gia được chú ý. Đây vừa là cơ hội, song cũng cũng là thách thức của Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố lợi thế, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện khác như về hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn...

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-lam-truong-ban-chi-dao-quoc-gia-ve-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post177171.html