Chiến lược thu hút công nghiệp công nghệ cao

'Tập trung thu hút công nghiệp công nghệ cao với hai mũi nhọn là trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn phải là chiến lược của TP.HCM'. Quan điểm này được PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra khi trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn về tình hình phát triển kinh tế của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân

* Ngày 4/9, UBND TP.HCM họp phiên thường kỳ bàn về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 8 của Thành phố. Qua các con số mà phiên họp công bố, ông có nhìn nhận gì về quá trình phục hồi kinh tế của Thành phố sau 8 tháng qua?

- Như dự báo, quá trình phục hồi kinh tế của TP.HCM chậm so với kỳ vọng. Điều này gây áp lực khá lớn trong các tháng cuối năm nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% cả năm. Xuất khẩu là điểm sáng. Sản xuất công nghiệp, tiêu dùng phục hồi nhưng còn chậm. Những bất ổn địa - chính trị trên thế giới ảnh hưởng ít nhiều tới sự phục hồi kinh tế của Thành phố.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng TP.HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm 2024?

- Tôi nghĩ Thành phố vẫn có khả năng hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Động lực chính vẫn từ lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, trong khi thị trường bất động sản trên địa bàn có giao dịch trở lại nhưng chưa sôi động như ở phía Bắc, ảnh hưởng tới nhiều ngành khác. TP.HCM còn nhiều “điểm nghẽn” cần phải xử lý thì kinh tế mới bứt phá được. Thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm dần lấy lại vai trò đầu tàu kinh tế. Thực ra TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế nhưng đang dần "bị lu mờ" so với nhiều địa phương khác về tốc độ tăng trưởng cũng như chưa có sự sáng tạo, đột phá nổi bật nào trong thời gian gần đây.

* Cụ thể đó là những điểm nghẽn nào và giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?

* Cụ thể đó là những điểm nghẽn nào và giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?

Thứ nhất, điểm nghẽn quan trọng nhất là cơ chế thể chế, mức độ tự chủ của TP.HCM để thực hiện các chương trình phát triển. Khu lõi trung tâm dần hết dư địa phát triển, do vậy Thành phố cần phát triển ra các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Thời gian qua, cơ chế ràng buộc TP.HCM khá nhiều trong việc chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng, quyền tự quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, Thành phố vẫn chưa thể xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Trước mắt, TP.HCM không thể xây dựng một trung tâm tài chính như Singapore, Dubai, Frankfurt vì không đủ tiềm lực. Vấn đề của TP.HCM là tìm nguồn động lực phát triển mới, xác định ngành nào là ngành mũi nhọn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia tới Thành phố tìm cơ hội sản xuất rồi rời đi. Họ tới TP.HCM vì nơi đây là đầu tàu kinh tế cả nước, họ mong có cơ chế thông thoáng để phát triển kinh doanh. Khi tôi trao đổi với họ, họ bất ngờ về việc chúng ta quá cầu toàn. Các khu công nghiệp hiện hữu tại TP.HCM đã quá tải. Thành phố cần xác định chiến lược tập trung phát triển bốn huyện như kể trên. Chọn dịch vụ hay công nghiệp? Nếu tập trung cho công nghiệp, Thành phố có quỹ đất đủ lớn, lên tới hàng trăm hécta đất nông nghiệp có thể chuyển đổi thành đất công nghiệp. Điều quan trọng là có làm và làm như thế nào. Thành phố cần tạo sự thông thoáng, thuận lợi hơn nữa đối với nhà đầu tư. Đầu tư vào TP.HCM khó hơn các tỉnh thì thua!

Theo tôi, tập trung thu hút công nghiệp công nghệ cao phải là chiến lược của TP.HCM với hai mũi nhọn là trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn. Đây phải là hai ngành chủ lực của Thành phố. Chúng ta thấy, có doanh nghiệp lớn trong nước đã đi tìm cơ hội đầu tư ở địa bàn khác thay vì chọn TP.HCM, như FPT không đặt trung tâm phát triển AI tại TP.HCM mà chọn Quy Nhơn. Nếu Thành phố mất dần lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh - thành khác sẽ khiến vai trò đầu tàu kinh tế ngày càng giảm.

Thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng cũng như nhiều yếu tố khác hơn các tỉnh - thành ở phía Nam. Nhưng cơ chế của TP.HCM cần thông thoáng mới thu hút được đầu tư.

* Ông nhắc tới việc TP.HCM loay hoay trong đầu tư xây dựng trung tâm tài chính, vì sao?

- Trung tâm tài chính quốc tế phải có hai yếu tố hỗ trợ, là cảng hàng không và cảng biển quốc tế, như tại Singapore, Dubai, Frankfurt. Không có trung tâm tài chính quốc tế nào đứng một mình mà không có cảng biển và cảng hàng không. Sắp tới, khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vận hành, rồi siêu cảng Cần Giờ được xây dựng là cơ hội mở ra cho một trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

* Ông có nhận định gì về việc hấp thụ vốn yếu của doanh nghiệp hiện nay?

- Theo tôi, nhu cầu vốn chưa thực sự nhiều, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không thâm dụng vốn nhiều như bất động sản. Tại sao giai đoạn trước cần tới 14-15% tăng trưởng tín dụng để đạt được 6% tăng trưởng kinh tế? Bởi vì dòng vốn chảy chủ yếu vào bất động sản. Hiện nay, dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khoảng 6%. Đã có sự khác biệt so với trước. Nếu đẩy tín dụng có thể đạt tăng trưởng tín dụng nhưng hệ quả là có thể gây ra lạm phát cũng như tạo tăng trưởng kinh tế không bền vững. Do vậy, cần cân nhắc đẩy vốn cho nền kinh tế, cung cầu vốn cần tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhất. Yếu tố tác động tăng trưởng kinh tế gồm công nghệ, vốn, lao động. Cần tập trung tăng năng suất lao động nhằm tạo ra của cải cho nền kinh tế. Năng suất lao động tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 Indonesia, 2/3 Thái Lan. Năng suất lao động là điều cần tập trung cải thiện.

* Cảm ơn ông!

Huyền Châm

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chien-luoc-thu-hut-cong-nghiep-cong-nghe-cao-313219.html