Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi cán bộ ngoại giao là một chiến sĩ tiên phong
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đảng bộ Bộ Ngoại giao cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, đánh giá chiến lược và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong 2 ngày 14 và 15-7, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Ảnh: NGỌC DIỆP
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thời gian qua, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã bám sát, thực hiện nghiêm túc, chủ động, tích cực triển khai đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Cạnh đó, nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các đối tác quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: NGỌC DIỆP
Ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng đánh giá kết quả này góp phần vào thành tựu chung của đất nước; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Phân tích, làm rõ thêm một số thành tựu, kết quả nổi bật, cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nhiệm kỳ mang đậm dấu ấn về thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng ủy Bộ Ngoại giao, với hơn 300 báo cáo lớn, 300 tờ trình, 17 nghị quyết và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.
Nổi bật là Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong "bộ tứ trụ cột" làm nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với trường phái "ngoại giao cây tre", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao từ 189 lên 194 nước, đưa tổng số đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 37 nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ từ mức đối tác chiến lược trở lên đối với tất cả các nước lớn, toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, toàn bộ các nước G7, 18/20 nước G20.
Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, công tác ngoại giao vaccine rất thành công, góp phần đưa Việt Nam "đi sau về trước" trong tiêm chủng vaccine, mở cửa sớm, đây là một tiền đề để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian qua.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, sự phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai nhuần nhuyễn, đồng bộ, tạo ra thế trận đối ngoại toàn diện, toàn dân, góp phần quan trọng làm sâu sắc quan hệ của ta với các đối tác, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước. Đồng thời, nâng cao vai trò, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; quán triệt, kiên trì và quyết tâm triển khai thành công Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đảng bộ Bộ Ngoại giao cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, đánh giá chiến lược và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Theo đó, cần giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, giữa Bộ Ngoại giao với các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Đồng thời, nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả.
"Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, dự báo tình hình sẽ có khó khăn, thách thức, nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó, ông lưu ý cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, tự tin, kiên trì, kiên định với đường lối cơ bản đã xác định nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, luôn sáng suốt, tỉnh táo trong xử lý các công việc, không hoang mang lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: NGỌC DIỆP
Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thủ tướng gợi mở, phân tích, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và thảo luận trong Đại hội.
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I.
Từ đó, tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới...
Thứ hai, tiên phong, nòng cốt, chủ động, tích cực, sáng tạo hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cũng lưu ý việc hoàn thiện lý luận, làm sâu sắc thêm trường phái "ngoại giao cây tre" với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến"; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Thứ ba, theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực. Tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ về mặt chiến lược, về những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh trong thực hiện đường lối đối ngoại, đặc biệt là nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về "đối tác, đối tượng".
Thứ tư, góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa đường lối đối ngoại và đối nội trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 3 trụ cột phát triển đất nước (xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN), 3 đột phá chiến lược, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, "sắp xếp lại giang sơn" và các nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới…
Thứ năm, góp phần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; biến các danh hiệu, di sản văn hóa thành nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, khát vọng, đam mê, cống hiến và hy sinh của đội ngũ cán bộ ngoại giao, với niềm tin thắng lợi, niềm tin vào chính nghĩa, vượt qua giới hạn của bản thân mình; mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại.
Ông Bùi Thanh Sơn giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước; hợp nhất với Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: NGỌC DIỆP
Đồng thời, triển khai tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với quyết tâm chính trị cao, ngành Ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và "đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước những năm qua, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước"…
Đại hội đã công bố các quyết định của Đảng ủy cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 – 2030 và đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025- 2030.
Theo đó, ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.