Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thuế phải là ngành đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó Thuế phải là một ngành hội tụ tất cả những yếu tố để phải đi đầu trong tiến trình đó - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn thế giới. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp mà Thuế phải là một ngành hội tụ tất cả những yếu tố để phải đi đầu trong tiến trình đó.
"Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thu thuế phải thu được lòng dân", ngành Thuế đã kế thừa và phát triển thành phương châm hành động hiện nay đó là: "Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới". Điều này thể hiện sứ mệnh và quyết tâm của ngành Thuế" - Thủ tướng, đánh giá.
Thời gian qua ngành Thuế đã rất nỗ lực, chủ động trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế với số lượng người nộp thuế ngày càng lớn; đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế. Các chỉ số về nộp thuế được cải thiện. Hệ thống thuế điện tử đã và đang được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế điện tử đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.
Với việc liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, ngành Thuế đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia. Tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý giai đoạn 2016-2020 hoàn thành vượt mức dự toán được giao, bình quân tăng 9,7%/năm. Năm 2021, tổng thu đạt 1.345.590 tỷ đồng, vượt dự toán gần 229 nghìn tỷ đồng. Số thu ngân sách quý I-2022 đạt gần 410 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán, tăng 10,8% cùng kỳ.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nỗ lực, sáng tạo triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn; cho rằng đây là công việc mới với khối lượng lớn, triển khai trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc thay đổi tư duy, phương thức quản lý, thực hiện đối với cả ngành Thuế cũng như người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai…, góp phần hướng tới xây dựng hệ sinh thái công dân số; đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Nhận định tình hình mới có nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn tới, ngành Thuế cần tiếp tục kiên định quan điểm, mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công bằng, hiệu quả, có tính ổn định cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030; nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi dựa trên 5 nền tảng cơ bản: thể chế quản lý thuế tiếp tục được hoàn thiện, minh bạch, phù hợp thực tiễn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên thông, tự động hóa cao; xây dựng ngành Thuế chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực; phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Theo đó, ngành Thuế cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến hết năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành Thuế nói riêng, ngành Tài chính nói chung và các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương không trông chờ, ỷ lại, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp vào thực hiện hóa đơn điện tử; phát triển hạ tầng số trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn kê khai và nộp thuế điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn; xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy trong quá trình triển khai thực hiện; coi việc triển khai hóa đơn điện tử tại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và làm thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý thuế mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác. Phát triển hệ thống hóa đơn điện tử để hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh và phải là một trong bốn trụ cột của hệ sinh thái tài chính số.
Thủ tướng yêu cầu, ngành Thuế, Tài chính và các cấp, ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành Thuế với các bộ, ngành, địa phương, xử lý ngay, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai. Triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số. Quan tâm công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt nguồn nhân lực để triển khai trên cả 63 tỉnh thành, phố với số lượng doanh nghiệp lớn, trải rộng trên nhiều địa bàn.