Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, lãnh đạo Tập đoàn Mitsui và Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz.

Sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản.

Thủ tướng tiếp ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON.

Thủ tướng tiếp ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON.

Tại buổi tiếp ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của AEON trong phát triển lĩnh vực bán lẻ và xuất khẩu tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có 5 yếu tố nền tảng quan trọng mà AEON và các nhà đầu tư khác có thể mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đó là: Việt Nam xác định tiêu dùng là một động lực tăng trưởng; có thị trường hơn 100 triệu dân, dân số trẻ và số người trung lưu trở lên ngày càng tăng mạnh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao; quan hệ Việt Nam – Nhật Bản càng ngày càng phát triển tốt đẹp; hàng hóa của Nhật Bản được người dân Việt Nam ưa dùng; hàng hóa Việt Nam phong phú, với các thế mạnh về lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày…và đang được xanh hóa, phù hợp với xu thế tiêu dùng chung của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Tập đoàn AEON chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh của mình trên thế giới. Tập đoàn AEON tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại, các khu Outlet tại các khu vực ngoại thành, kết hợp mua sắm với vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại không chỉ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thanh Hóa như hiện nay mà mở rộng ra các tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao, dân số đông, là trung tâm dịch vụ, du lịch như: Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên, Nghệ An, Tây Nguyên, Khánh Hòa, An Giang…

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị AEON tăng cường nhập khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: da giầy, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm.

Việt Nam đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đầu tư dịch vụ logistics đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, giảm giá thành cho các sản phẩm. Đặc biệt, đề nghị Tập đoàn AEON cấp học bổng cho học sinh, sinh viên và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị AEON tăng cường nhập khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị AEON tăng cường nhập khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON cho biết, đến nay Việt Nam là nước AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD. AEON đã mở 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế….

Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới AEON sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng mở rộng nhập khẩu hàng hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản. AEON cũng sẽ dành các suất học bổng hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực.

* Thủ tướng Chính phủ cũng tiếp lãnh đạo Tập đoàn Mitsui – thành viên liên doanh các nhà đầu tư Dự án Khí Lô B – Ô Môn của Việt Nam.

Thủ tướng tiếp ông Hirotaka Hamamoto, Chủ tịch Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui.

Thủ tướng tiếp ông Hirotaka Hamamoto, Chủ tịch Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui.

Tại buổi tiếp, ông Hirotaka Hamamoto, Chủ tịch Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui cho biết, Mitsui đã tham gia dự án khí Lô B – Ô Môn ngay từ những ngày đầu và theo đuổi dự án trong suốt hơn 20 năm qua.

Ông Hirotaka Hamamoto đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khí…, theo quan điểm của Thủ tướng là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, để thúc đẩy dự án khai thác khí Lô B trong tháng 6 năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh nỗ lực của Mitsui để thúc đẩy triển khai dự án vào tháng 6/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh nỗ lực của Mitsui để thúc đẩy triển khai dự án vào tháng 6/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đáng tiếc về việc dự án khai thác khí Lô B bị đình trệ trong nhiều năm; hoan nghênh Mitsui đã theo đuổi dự án, ngay cả khi có những đối tác chuyển hướng đầu tư; cho biết đây là một trong những dự án được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thúc đẩy trong suốt 2 năm qua để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đã kéo dài hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, việc các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai vẫn có độ trễ, song nhất định các vướng mắc sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn tới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh nỗ lực của Mitsui để thúc đẩy triển khai dự án vào tháng 6/2023; hy vọng dòng khí từ Lô B sẽ sớm phục vụ các nhà máy nhiệt điện Ô Môn; đề nghị Mitsui tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, phù hợp với xu thế của thế giới và giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

** Trước đó, vào tối 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz.

Tập đoàn Sojitz (2003) được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Tập đoàn Nissho Iwai và Nichimen, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Hiện nay, Sojitz có khoảng 350 công ty con và 140 công ty liên doanh với gần 20.000 nhân viên trên toàn thế giới. Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn đạt lần lượt 2.480 tỷ Yen (18,2 tỷ USD) và 111 tỷ yen (817,8 triệu USD).

Sojitz có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỷ USD trong các lĩnh vực thiết bị (ITC, nhà máy sản xuất điện, phụ tùng xe máy), năng lượng (khí và than), hóa chất (kho lữu trữ, nhựa, đất hiếm), khu công nghiệp và nông lâm nghiệp (thức ăn gia súc, phân bón, trồng rừng, gỗ ...), sản xuất giấy và các dự án BOT Phú Mỹ III, Công ty phân bón Việt-Nhật...

Tại buổi tiếp, ông Fujimoto Masayoshi cho biết, với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các cơ quan, Tập đoàn đã vượt qua được giai đoạn COVID-19 tại Việt Nam. Ông cho biết, Sojitz cam kết đầu tư mạnh mẽ, lâu dài tại Việt Nam; trình bày một số ý tưởng mở rộng hoạt động đầu tư thời gian tới trong các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo; trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư thời gian qua; nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan tới cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển năng lượng tái tạo…

Ông thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp lớn đang muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Có khoảng 70 doanh nghiệp đang tìm hiểu về khả năng Sojitz mở thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của Sojitz tại Việt Nam trong nhiều năm qua; hoan nghênh việc Sojitz đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh, đồng thời phù hợp với định hướng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ vừa ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo; đồng thời yêu cầu ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị Sojitz tiếp tục mở rộng đầu tư các hệ sinh thái khu công nghiệp, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp có nguồn lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng mong muốn với tiềm năng mạnh mẽ của mình, Sojitz sẽ không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo…

Thủ tướng đề nghị Sojitz phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan để kịp thời trao đổi, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các ý tưởng đầu tư; phối hợp với các hiệp hội, địa phương của Việt Nam kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn./.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-cac-doanh-nghiep-lon-tai-nhat-ban-post1021369.vov