Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ
Trong chương trình công tác tại Ân Độ, sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani; Ông Karan Adani, Giám đốc Công ty Khu Kinh tế đặc biệt và Cảng Adani (APSEZ); Ông Anil Sardana, CEO của Công ty Năng lượng Adani (APL) và một số thành viên của Tập đoàn.
Tập đoàn Adani là một trong những Tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ, có trụ sở chính tại Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ. Tập đoàn Adani hoạt động trong các lĩnh vực, bao gồm : đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng... Trong đó : APSEZ là công ty con của Tập đoàn Adani, được thành lập vào năm 1998, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng vận hành cảng. Doanh thu năm tài chính 2023 đạt 2,7 tỷ USD, lợi nhuận đạt 650 triệu USD.
APL được thành lập năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Tổng công suất đã hoạt động đạt 15.250 MW và đang xây dựng khoảng 1.600 MW. Doanh thu năm tài chính 2024 đạt 7,1 tỷ USD với lợi nhuận đạt 2,4 tỷ USD.
Hiện APSEZ đang triển khai hoạt động đầu tư tại cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng. Tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2 tỷ USD.
APL mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận (Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3). Tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã nghe chủ tịch Tập đoàn Adani giới thiệu về Tập đoàn và trao đổi về các dự án đầu tư của Adani tại Việt Nam và tiềm năng, cơ hội hợp tác trong tương lai nhất là dự án Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng, Cảng hàng không Chu Lai, Nhà máy điện Vĩnh Tân 3... Adani mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục pháp lý những dự án này.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kết quả hoạt động kinh doanh và tầm nhìn của Tập đoàn Adani trong thời gian qua. Đánh giá cao sự hợp tác, đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam và mong muốn phát triển, mở rộng trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, là hạ tầng năng lượng, giao thông, logictic. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn đã bàn là phải làm và phải bàn cụ thể công việc để rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và đã cam kết là phải thực hiện, để thúc đẩy các dự án.
Theo Thủ tướng năng lượng là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là cam kết của Việt Nam tại COP26, vì vậy, đề nghị tập đoàn nghiên cứu sâu, thúc đẩy đầu tư, hợp tác, thành lập liên doanh với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam để phát triển lĩnh vực năng lượng cũng như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác cùng khai thác, phát triển thị trường của nhau.
Đối với Dự án cảng Liên Chiểu Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan để trao đổi, xử lý những tồn tại giữa các bên.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng Thủ tướng cho biết, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 04 mục tiêu chính là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu vùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Trong khuôn khổ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP26), Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong hiện thực hóa mục tiêu cam kết phát thải ròng về “0”, cam kết giảm phát thải khí Mê-tan và các cam kết liên quan khác tại Glasgow.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện như điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi...; giảm sử dụng nguồn điện than; đề xuất các phương án thay thế bằng các nguồn điện như điện gió và điện sinh khối; đến năm 2050, phần lớn các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ sử dụng hydrogen xanh...
Trong thời gian tới, để hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi năng lượng để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đưa phát thải ròng về 0, Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.
Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn, đề nghị Tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương, EVN và các Bộ, ngành, địa phương liên quan như Đà Nẵng và Quảng Nam.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ và Tập đoàn Adani; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
# Trong chương trình công tác tại Ấn Độ, sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và một số thành viên cấp cao của Tập đoàn.
Tại buổi tiếp, ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn SMS Pharmaceuticals đã giới thiệu về Tập đoàn SMS Pharmaceuticals. Ông cho biết, Tập đoàn được thành lập năm 1990 là một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ. Hiện Tập đoàn có 4 cơ sở sản xuất và 02 trung tâm nghiên cứu với 1.000 nhân viên. Công ty Sri Avantika là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1992, hoạt động đa lĩnh vực : khai khoáng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, thương mại…
Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để phát triển Khu Công nghiệp Dược phẩm tại khu Kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư giai đoạn 1 đạt khoảng 62,3 triệu USD. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng khu công nghiệp dược phẩm ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm… cho tỉnh Thanh Hóa nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Ông P. Ramesh Babu mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để phê duyệt và phát triển Dự án mà tập đoàn đang triển khai tại Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors trong lĩnh vực dược phẩm sinh học tại Ấn Độ và những đóng góp của Tập đoàn trong việc sản xuất thuốc điều trị ung thư.
Thủ tướng cũng hoan nghênh những kết quả đã đạt được cũng như dự định hợp tác, đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của Tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc tập đoàn cam kết đầu tư 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm và lựa chọn Nghi Sơn là sự lựa chọn thông minh, nhưng phải làm và làm là phải ra sản phẩm, ra sản phẩm phải tiêu thụ được, tiêu thụ được phải có hiệu quả và lợi nhuận, lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Tinh thần là đã nói thì phải làm.
Thủ tướng cho biết Việt Nam có thị trường tiêu thụ, hiện nay 33% dược phẩm của Việt Nam đang nhập của Ấn Độ, dân số Việt Nam đông và cần công nghệ sản xuất thuốc. Thủ tướng cũng hoan nghênh cam kết chuyển giao công nghệ, tạo ra công ăn việc làm, xây dựng công viên dược.
Thủ tướng nhấn mạnh, y tế là lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm và khuyến khích, đặc biệt các dự án, sản phẩm và giải pháp về y tế ngày càng quan trọng trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc, ứng dụng công nghệ để sản xuất thuốc chữa bệnh… là ngành nghề được ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Việt Nam áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án có quy mô vốn lớn, giải ngân nhanh và đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và giá trị gia tăng cao. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế .
Mục tiêu chung nhằm phát triển ngành Dược ở Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO;
Ngành Dược ở Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp dược Ấn Độ.
Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế, các Bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ và Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
# Cũng trong sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập tập đoàn dược phẩm BDR.
Tập đoàn BDR được thành lập năm 2002, là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ với 80% thị phần trong nước. BDR sở hữu chuỗi cung ứng khép kín, từ sản xuất nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, với 9 nhà máy tại Ấn Độ và 1 nhà máy tại Algeria. Năm 2023, BDR có 3.200 nhân viên, doanh thu đạt 250 triệu USD và lợi nhuận đạt 90 triệu USD.
Tập đoàn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022; hiện đang cung cấp nguyên liêu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, lâu dài về dược phẩm tại Việt Nam, đang nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư, sản xuất các loại thuốc quan trọng, thế hệ mới và chuyển giao công nghệ, nhất là trong điều trị ung thư, AIDS…, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn trong lĩnh vực dược phẩm tại Ấn Độ, những đóng góp trong việc sản xuất các loại thuốc điều trị các bệnh nan y.
Thủ tướng hoan nghênh những kết quả đã đạt được cũng như dự định hợp tác, đầu tư của các tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực điều trị ung thư; đánh giá việc đầu tư vào Việt Nam là lựa chọn thông minh, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cho biết y tế, dược phẩm là lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm và có chính sách khuyến khích, ưu đãi. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dược phẩm rất lớn, hiện các loại thuốc của Ấn Độ chiếm khoảng 33% thị phần thuốc tại Việt Nam.
Việt Nam có thị trường lớn với dân số 100 triệu dân, nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động và đã ký kết, đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cũng có nguồn nguyên liệu dược phẩm phong phú. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp dược Ấn Độ.
Đối với các đề xuất hợp tác, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các thủ tục theo quy định; đề nghị tích cực tham gia góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực dược phẩm với phía Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ.
Trên cơ sở phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, tin cậy chính trị cao, tương đồng về văn hóa, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể", triển khai công việc "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả", có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; triển khai các dự án ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa các chủ thể, "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển".