Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Tri thức hóa nông dân' để làm chủ công nghệ và làm giàu từ nông nghiệp

Hôm nay 29/5, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư năm 2022 với chủ đề: 'Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững'. Hội nghị do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Sơn La có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân tại hội nghị -Ảnh: T.L

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân tại hội nghị -Ảnh: T.L

Hội nghị đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.

Tại hội nghị, đại diện nông dân, chuyên gia, nhà quản lý trực tiếp đặt câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung vào 8 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất, đồng thời giải quyết tình trạng sốt đất ở khu vực nông thôn. Thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Trên lĩnh vực tín dụng, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn của nông dân còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng tín dụng đen “xâm nhập” khu vực nông thôn.

Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để “ly nông” nhưng không “ly hương”. Các kiến nghị, đề xuất khác như tình trạng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác khoa học công nghệ với nghiên cứu giống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Hội nghị diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nông dân đặt câu hỏi, kiến nghị trực tiếp và được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời đi vào trọng tâm, trọng điểm; những vấn đề chưa rõ và có tính khái quát, vĩ mô cao, đích thân Thủ tướng trực tiếp trả lời trên tinh thần Chính phủ đang nỗ lực hết mình hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, giúp ngành nông nghiệp và người nông dân khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19 và phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nâng cao trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đó, định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỉ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần "ly nông không ly hương".

Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Thủ tướng cho rằng, trong khuôn khổ thời gian có hạn, còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận tại hội nghị. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=167558&title=thu-tuong-pham-minh-chinh--%C2%A0tri-thuc-hoa-nong-dan-de-lam-chu-cong-nghe-va-lam-giau-tu-nong-nghiep