Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan

Chiều 16/1 giờ địa phương, (rạng sáng 17/1 giờ Việt Nam), tại thủ đô Warsaw, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Đại sứ quán và bà con rất vui mừng được đón đoàn đại biểu Việt Nam thăm Ba Lan trong những ngày đầu năm 2025 – năm có nhiều ngày lễ lớn trọng đại của đất nước và kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan.

Đại sứ cho biết, Ba Lan là 1 trong 5 quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, hỗ trợ cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết… Ba Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều công trình. Giai đoạn 1965-1990, Ba Lan hỗ trợ đào tạo hơn 4.000 sinh viên, 3.500 công nhân lành nghề cho Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này là chuyến thăm đầu tiên của người lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới Ba Lan sau 18 năm.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã thực hiện nhiều hoạt động tăng cường quan hệ hai nước. Năm 2024, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 3,2 tỷ USD; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước; nỗ lực thúc đẩy tăng suất học bổng của Ba Lan cho Việt Nam; hỗ trợ dạy tiếng Việt cho một số trường của Ba Lan. Số lượng khách du lịch Ba Lan sang Việt Nam tăng mạnh, đạt 50 nghìn lượt khách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại CH Ba Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại CH Ba Lan.

Phía các cơ quan chức năng bạn đang vận động chính quyền đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên cấp visa cho lao động. Ba Lan có thế mạnh logistics, Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, có tiềm năng hợp tác với Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có hơn 30 nghìn người, chủ yếu kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, tuy nhiên có một số doanh nghiệp lớn như thực phẩm bán buôn, thương mại điện tử; trong cộng đồng có nhiều nhà khoa học, có 7 người được phong hàm giáo sư; có nhiều gương mặt trẻ xuất sắc. Cộng đồng ngày càng hội nhập sâu rộng xã hội sở tại. Năm 2024, một người Ba Lan gốc Việt lần đầu tiên trúng cử Hội đồng quận ở Warsaw. Cộng đồng tích cực hướng về Tổ quốc, hỗ trợ bà con trong nước nhiều tỷ đồng vượt qua thiên tai; hỗ trợ quyên góp, hỗ trợ bà con có 460 gian hàng bị thiêu rụi trong vụ cháy chợ vụ cháy trung tâm thương mại ở số 44 Marywilska ở thủ đô Warsaw... Đại sứ quán coi công tác bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ chính; luôn quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại để tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, Hội luôn tích cực tổ chức các hoạt động tăng cường gắn kết cộng đồng, hỗ trợ bà con Việt Nam ở Ukraine sang Ba Lan lánh nạn do chiến tranh; hỗ trợ bà con trong vụ cháy trung tâm thương mại ở số 44 Marywilska ở thủ đô Warsaw…

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Nhiều năm qua, Hội luôn phát huy vai trò gương mẫu, đầu tàu, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, các Cơ quan đại diện của Việt Nam. Chính quyền Ba Lan luôn đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam luôn đoàn kết, thân thiện, hòa nhập xã hội sở tại, đánh giá cao hoạt động của Hội, phát huy vai trò gắn kết cộng đồng, cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác hai nước.

Nhân dịp này, Hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện cho bà con được quay trở lại Quốc tịch Việt Nam thuận lợi; Chính phủ tăng cường giữ gìn học tiếng Việt cho con em người Việt; tổ chức các sự kiện văn hóa lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam; Hội đang vận động Chính phủ, chính quyền Ba Lan cộng đồng người Việt Nam trở thành dân tộc thiểu số, muốn vậy, Hội mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Ông Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan cho biết, hội luôn tích cực hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Ba Lan. Hiện tại Ba Lan có tới hơn 2.000 nhà hàng, quán ăn Việt Nam. Ba Lan là đầu mối chiến lược cho cho hàng hóa Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu. Để khai thác hiệu quả từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn. Thế hệ trẻ Việt Nam tại Ba Lan thành thạo 3 ngoại ngữ. Ông bày tỏ cần thiết việc thiết lập đường bay thẳng Ba Lan – Việt Nam để tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan không chỉ bám rễ sâu sắc vào kinh tế sở tại, do đó mong Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Thủ tướng và Phu nhân tặng quà cho đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Thủ tướng và Phu nhân tặng quà cho đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành, Giáo sư được Tổng thống Ba Lan phong hàm giáo sư đầu tiên chia sẻ: người Việt Nam ở đây có 7 giáo sư cấp Nhà nước, có 9 giáo sư cấp trường, 12 tiến sĩ, 35 nghiên cứu sinh, 400 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường. Các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại đây, nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Ông kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ linh hoạt hơn trong tài trợ cho dự án có nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đề tài; Nhà nước cần tạo điều kiện về cấp căn cước công dân cho bà con.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được đến thăm Ba Lan - đất nước của những nhà khoa học vĩ đại, thiên tài âm nhạc… và qua chuyến thăm, cảm nhận sâu sắc tình cảm mà các nhà lãnh đạo, nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam và người Việt Nam tại Ba Lan. Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe, chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến bà con cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan.

Thủ tướng bày tỏ rất tự hào và biết ơn cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan đối với Tổ quốc và quan hệ Việt Nam - Ba Lan. Đề cập các kiến nghị của bà con, về vấn đề quốc tịch Việt Nam, Thủ tướng khẳng định khi về nước sẽ rà soát lại và giao Bộ Ngoại giao thực hiện để làm thuận lợi hơn. Về môn học tiếng Việt, Thủ tướng cho biết, Đại sứ quán sẽ làm việc với nước sở tại, các Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các bộ, ngành phía bạn để đưa tiếng Việt trở thành một môn học.

"Thế giới có thể thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi và tình cảm giữa hai nước là không thay đổi", Thủ tướng nhấn mạnh. Về tài trợ cho các hoạt động văn hóa tại Ba Lan, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính nghiên cứu dành một phần kinh phí chi thường xuyên cho các Đại sứ quán, trong đó có phần hỗ trợ cho cộng đồng. Theo Thủ tướng, đất nước hiện nay đã phát triển thì cũng phải hỗ trợ bà con ở điểm này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm MInh Chính và Phu nhân trao quà tặng CBCS Bộ Ngoại giao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm MInh Chính và Phu nhân trao quà tặng CBCS Bộ Ngoại giao.

Về vấn đề công nhận cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan trở thành dân tộc thiểu số, Thủ tướng cho biết đã kiến nghị các nhà lãnh đạo phía bạn xem xét giải quyết.

Về Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Thủ tướng Ba Lan hứa Ba Lan không phải là nước cuối cùng phê duyệt Hiệp định này.

Về đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn biết các kiến nghị cụ thể hơn để hoạch định chính sách tốt hơn.

Về tài trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đề tài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xem xét với tinh thần tháo gỡ vướng mắc, thu hút người tài. Theo Thủ tướng, chúng ta còn tư duy cũ trong vấn đề này, do đó các bộ, ngành phải giải quyết tốt.

Về vấn đề căn cước công dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an kiểm tra lại để tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài; mong bà con kiến nghị cụ thể, rõ hơn để Chính phủ nắm rõ và chỉ đạo.

Về vấn đề kiến nghị đối với trường phái vật lý Albert Einstein, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý bảo đảm phù hợp.

Về hợp tác văn hóa, Thủ tướng rất tâm đắc vấn đề này vì văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa có tính khoa học, đại chúng và dân tộc; "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, đóng góp tích cực cho kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển văn minh, giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Theo Thủ tướng, Ba Lan là nới sản sinh ra nhiều thiên tài, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, do đó rất cần tăng cường hợp tác. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề xuất các giải pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác.

Về công việc của Đại sứ quán, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, nắm chắc tình hình đúng, trúng, kịp thời để tham mưu với Đảng, Nhà nước, đề xuất rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; thúc đẩy quan hệ hai nước đã có truyền thống 75 năm với những tài sản quý giá, giá trị cốt lõi ngày càng phát triển tốt đẹp.Thủ tướng lưu ý Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cần làm tốt công tác cộng đồng đối với bà con.

Thủ tướng khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; phải xem việc của cộng đồng như việc của anh em trong gia đình, khi có vấn đề khó khăn, khủng hoảng thì Đại sứ quán phải đứng ra, tìm mọi cách tiếp cận người Việt ở những nơi xảy ra sự việc để giúp đỡ bà con, thiết lập mạng lưới kết nối nhanh nhất với bà con để giải quyết kịp thời các sự việc, tuyệt đối không được thiếu trách nhiệm, không được sách nhiễu; phải quán triệt tinh thần này để nói thật, làm thật, hết lòng giúp đỡ để bà con cộng đồng được hưởng thụ thật.

Mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động Việt Nam

Ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan Agnieszka Dziemianowicz-Bąk ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Lễ ký diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Theo nội dung bản ghi nhớ, hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực về pháp luật lao động như xây dựng chính sách việc làm tích cực cho các nhóm yếu thế trong thị trường lao động; đào tạo lại cho người đã có việc làm và người thất nghiệp; bảo trợ xã hội và trợ giúp xã hội cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương; quản lý lao động di cư, ngăn ngừa tình trạng làm việc bất hợp pháp; an sinh xã hội và phát triển hệ thống hưu trí.

Việc ký ghi nhớ không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ba Lan mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động Việt Nam.

Thỏa thuận này đồng thời hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan Agnieszka Dziemianowicz-Bąk ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Agnieszka Dziemianowicz-Bąk, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực (visa) cho lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc tại nước này.

ể từ năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện việc đưa người lao động sang làm việc tại Ba Lan. Tính đến nay, đã có 46 doanh nghiệp được cấp phép cung ứng lao động, với tổng số 7.145 lao động đã ký hợp đồng.

Từ năm 2017 đến nay, tổng số lao động đã xuất cảnh là 3.214 người, trong đó hơn 2.500 lao động Việt Nam hiện sinh sống, làm việc tại Ba Lan.

Việc ký ghi nhớ mở ra nhiều cơ hội việc làm mới tại Ba Lan dành cho lao động Việt Nam.

Lao động Việt Nam làm việc tại Ba Lan tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, với các ngành nghề chủ yếu là thợ hàn, thợ xây, thợ sơn, công nhân chế biến thực phẩm, vệ sinh công nghiệp, thợ làm bánh…

Phần lớn lao động Việt Nam làm việc tại Ba Lan có việc làm và thu nhập tương đối ổn định, dao động 800-1.200 USD/tháng, tùy ngành nghề và trình độ tay nghề.

X. Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-phu-nhan-gap-go-cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-cong-hoa-ba-lan-i756768/