Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam - Ấn Độ cần trở thành nhân tố tích cực cho hòa bình và phát triển

Chiều 1/8, tại New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ với chủ đề 'Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu'.

Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ là nơi tiên phong trong việc định hình tầm nhìn đối ngoại của Ấn Độ suốt hơn 7 thập kỷ qua. Cũng chính từ khán phòng này, nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ đã được khởi xướng, đóng góp tích cực cho hòa bình và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Trước đông đảo các đại biểu thuộc chính giới, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong chuyến thăm lần này đã được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ. Ảnh: Nhật Bắc.

Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng cho rằng tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Bất trắc và bất ổn của môi trường an ninh toàn cầu đang ở mức cao, xung đột cục bộ và xu hướng tăng cường vũ trang gia tăng phức tạp.

Trước những vấn đề mang tính toàn cầu, Thủ tướng cho rằng cần phải có tư duy toàn diện, tổng thể, đòi hỏi tất cả các nước, các thể chế đa phương hơn lúc nào hết phải kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu. Trong đó, mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ cần không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.

Lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển

Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đi qua chặng đường hơn nửa thế kỷ nhưng mối giao lưu mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ đã bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước, khi các tăng sĩ và thương nhân người Ấn Độ đưa Phật giáo đến Việt Nam.

Không chỉ khởi nguồn từ những giá trị tương đồng, sâu sắc về văn hóa, Việt Nam và Ấn Độ còn đến với nhau từ sự đồng cảm, ủng hộ và cùng chia sẻ những ý tưởng chung trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam - Ấn Độ cần trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam - Ấn Độ cần trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.

Đề cập đến Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ với phương hướng "năm hơn", Thủ tướng cho rằng cần củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới.

“Thủ tướng Modi đã nhiều lần nhấn mạnh "lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển". Lòng tin đó cần duy trì qua trao đổi và tiếp xúc cấp cao thường xuyên; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết cấp cao trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác Mekong - sông Hằng, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các nước tiểu vùng cũng như toàn khu vực.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-viet-nam-an-do-can-tro-thanh-nhan-to-tich-cuc-cho-hoa-binh-va-phat-trien-post1660022.tpo