Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng tốc, bứt phá để đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Để sớm có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 5 vấn đề định hướng và 11 giải pháp.

Tối 15-10, phát biểu kết luận Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt Đề án), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 5 vấn đề có tính định hướng và 11 giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, bằng phát triển xanh, bằng kinh tế tuần hoàn, bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, yêu quý những cái gì mình yêu quý nhất trong cuộc đời. Từ đó mới tạo ra cuộc cách mạng cho cây lúa của ĐBSCL nói riêng và các công việc nói chung.

Tiếp đến là huy động nguồn lực thì phải đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực trung ương, nguồn lực địa phương, hợp tác công tư, xã hội hóa…

Đồng thời sử dụng nguồn lực phải khoa học, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin - cho, bao cấp, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, làm sao nguồn lực đến tận địa phương, tận cơ sở sản xuất, đến tận nông dân.

Cuối cùng là phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trước hết là tính tự lực tự cường của các địa phương, huy động sức mạnh từ người dân, nhưng phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Về mục tiêu, Thủ tướng cho rằng phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt được 1 triệu ha lúa chất lượng cao càng sớm càng tốt, từ đó chúng ta có thể đạt 14, 15 triệu tấn lúa và 9, 10 triệu tấn gạo ở phân khúc cao.

 Thủ tướng chủ trì hội nghị được tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Thủ tướng chủ trì hội nghị được tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu ra 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, phải quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa, với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp. Việc này Thủ tướng yêu cầu phải xong trong quý II-2025.

Cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa chất lượng phân khúc cao cho người tiêu dùng chất lượng cao.

Đồng thời, phải tạo cơ chế chính sách ưu đãi; huy động nguồn vốn cho các đối tượng được hỗ trợ trong Đề án, trong đó, ngân hàng nghiên cứu gói tín dụng cho Đề án với quy mô khoảng 30.000 tỉ…

Trước đó, tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL đã báo cáo về tình hình triển khai Đề án trong gần một năm qua với các kết quả, vướng mắc và các kiến nghị… Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã phản hồi về các đề xuất, kiến nghị của địa phương. Trong đó, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính làm rõ thêm về huy động, sử dụng các nguồn lực, quản lý tài chính. Ngân hàng Nhà nước làm rõ về nguồn vốn tín dụng…

Đại diện Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định WB có cam kết rất mạnh mẽ với Đề án này. WB đề nghị Chính phủ Việt Nam có thể lập tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan, hài hòa thủ tục giữa hai bên, thống nhất cơ chế triển khai rõ ràng, khả thi, hiệu quả, sớm ký kết hiệp định vay, phát huy hiệu quả nguồn tài chính từ WB cho Đề án.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-yeu-cau-tang-toc-but-pha-de-dat-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-post815066.html