Thủ tướng: Phấn đấu GDP tăng trên 7%, làm tiền đề bước vào kỷ nguyên mới
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%; đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
GDP đạt trên 7%
Cập nhật tình hình kinh tế xã hội 10 tháng năm 2024, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực trong đó nông nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; sản xuất công nghiệp tăng 8,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%; du lịch phục hồi mạnh.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định. Ước năm 2024, dư nợ công khoảng 36 - 37% GDP (giới hạn Quốc hội cho phép là dưới 60% GDP), dư nợ Chính phủ khoảng 32 - 33% GDP (giới hạn là dưới 50% GDP), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu ngân sách nhà nước (giới hạn là dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước); bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP (giới hạn là dưới 3,6% GDP).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%, CPI bình quân 10 tháng tăng 3,78%, 9 tháng tăng 3,88%, 8 tháng tăng 4,04%, 7 tháng tăng 4,12%...
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong khi đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn 149,1 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD, Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 51,74 tỷ USD, xuất khẩu gạo trên 7,8 triệu tấn.
Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi, trong đó một số dự án đã có lãi (dự kiến năm 2024, DAP Hải phòng lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lãi 102 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng); chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Thủ tướng cho hay, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như Ủy ban Dân tộc (1,17%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,4%); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (6,6%); Đại học Quốc gia Hà Nội (9%); Thông tấn xã Việt Nam (16,4%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (17,6%); Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (17,8%); Hội Nông dân Việt Nam (18%); Thành phố Hồ Chí Minh (9,6%).
Lý giải về nguyên nhân giải ngân chậm, Thủ tướng chia sẻ, do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
Trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong Kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu… Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”; xử lý nghiêm các vi phạm.
Nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tại các địa phương…