Thủ tướng Pháp từ chức và giải tán nội các, tiếp theo sẽ là gì?

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và chính phủ của ông đã từ chức vào thứ Ba, nhưng sẽ tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền cho đến khi một nội các mới được bổ nhiệm sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp mới đây.

Các chuyên gia cho biết chính phủ lâm thời sẽ điều hành các vấn đề cấp bách tại nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro, nhưng không thể đệ trình luật hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào. Vai trò của cơ quan này bao gồm đảm bảo Olympic Paris khai mạc vào ngày 26 tháng 7 diễn ra suôn sẻ.

 Các thành viên nội các Pháp đã rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters

Các thành viên nội các Pháp đã rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters

Mathieu Disant, giáo sư luật tại trường đại học Panthéon-Sorbonne ở Paris, cho biết: "Xử lý các vấn đề hiện tại có nghĩa là thực hiện các biện pháp đã được quyết định và quản lý các trường hợp khẩn cấp phát sinh. Không hơn không kém".

Đã từng có chính phủ lâm thời ở Pháp, nhưng chưa từng có chính phủ nào ở lại quá vài ngày. Không có giới hạn cụ thể nào về thời gian một chính phủ lâm thời có thể ở lại. Quốc hội không thể buộc chính phủ đó từ chức.

Quốc hội Pháp sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội mới vào thứ Năm tới. Ai giữ vị trí này là rất quan trọng vào thời điểm vẫn chưa rõ ai sẽ điều hành chính phủ vì không có đảng phái hay nhóm nào chiếm đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp mới đây.

Như đã biết, Mặt trận Bình dân Mới (NFP), một liên minh cánh tả bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội từ Đảng Xanh, Đảng Cộng sản đến Đảng Nước Pháp Bất khuất, đã được thành lập vội vã trước cuộc bầu cử.

Liên minh này bất ngờ giành chiến thắng trong 2 vòng bầu cử quốc hội Pháp vào ngày 30/6 và ngày 7/7, nhưng cũng không giành được đa số tuyệt đối so với 2 nhóm lớn còn lại, gồm phe cực hữu của bà Le Pen và phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron. Điều này khiến chính trường Pháp rơi vào bế tắc, khi không thể xác định được liên minh nào sẽ lên nắm quyền để chọn ra Thủ tướng mới.

Các nhà phân tích của Eurointelligence cho biết: "Chưa bao giờ cuộc bầu cử Chủ tịch Quốc hội lại có ý nghĩa chính trị đến vậy". Cuộc bầu chọn Chủ tịch Quốc hội mới của Pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết những bế tắc hiện tại, khi người nắm vị trí này có thể dung hòa các đảng phái, để hình thành một liên minh cầm quyền mới.

Huy Hoàng (theo France24, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-phap-tu-chuc-va-giai-tan-noi-cac-tiep-theo-se-la-gi-post303707.html