Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo 79km và thông xe kỹ thuật 30km thuộc dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, nâng tổng chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam là 1.187km và tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên 2.001 km; báo cáo, đề xuất TTgCP phương án đầu tư các dự án cao tốc theo quy mô phân kỳ và rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến cao tốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; đã thành lập các tổ công tác liên ngành, đoàn công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khai thác vật liệu san lấp cho dự án trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ; đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về khai thác cát biển;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp ngưỡng chịu mặn của cây trồng, độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản để đánh giá khả năng dùng cát biển cho các dự án giao thông;
Bộ Tài chính đã tích cực giải quyết thủ tục liên quan đến vốn vay của dự án Mỹ An - Cao Lãnh, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên ; đã có công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản đề xuất sửa đổi điều kiện vay vốn để các nhà thầu Việt Nam tham gia gói thầu của dự án Bến Lức - Long Thành.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ: tích cực, khẩn trương thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế di dời đường điện; phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Đoàn công tác trực tiếp làm việc, hướng dẫn các địa phương để đẩy nhanh thủ tục di dời đường điện; đã làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp để tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với các cơ quan của Campuchia phục vụ việc nhập khẩu cát cho các dự án trọng điểm.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành; Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định chính trị xã hội;
Các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật; tập trung chỉ đạo tổ chức thi công các dự án được giao là cơ quan chủ quản; giải quyết kịp thời thủ tục cấp mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau cuộc họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vào ngày 29/3/2024, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả thứ 7, chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đúng hoặc vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần trách nhiệm của các kỹ sư, công nhân, người lao động ngành giao thông để chung tay xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Nhắc lại mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến măm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, thời gian còn lại chỉ còn 07 tháng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai các nhiệm vụ để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ-mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cho rằng, giải phóng mặt bằng có tính chất quyết định tiến độ các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh thi công các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc EVN để đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế.
Đặc biệt, các địa phương liên quan khẩn trương rà soát, hướng dẫn các nhà thầu thi công hoàn thiện thủ tục thu hồi vật liệu san lấp; bổ sung mỏ theo cơ chế đặc thù, nghiên cứu tăng công suất và hoàn tất các thủ tục để đưa các mỏ vật liệu vào khai thác, điều phối nguồn vật liệu nhằm bảo đảm nguồn đất đắp phục vụ thi công dự án.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện", rà soát các thủ tục tránh tình trạng xảy ra sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Đối với các dự án đang thi công xây dựng và các nội dung liên quan Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021;
Về vật liệu Thủ tướng đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,… phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai hoàn thành các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển cho các nhà thầu khai thác làm VLXD cho các dự án giao thông.
Về triển khai thi công Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố đôn đốc các nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực để thi công đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đáp ứng kế hoạch đề ra; với các dự án chậm tiến độ cần chỉ đạo các nhà thầu bổ sung nhân vật lực để triển khai thi công đảm bảo tiến độ các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Tôi rất mong là cuộc họp nay phát huy tinh thần tích cực chủ động vào cuộc kịp thời lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương. Thứ hai là phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công, rồi sự vào cuộc của nhân dân chúng ta làm sao đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân khi họ nhường đất cho dự án, và hai việc nó nổi lên thì tôi đề nghị cuộc họp sau không phải bàn đến nữa, một là vật liệu xây dựng, thứ hai là giải phóng mặt bằng".