Thủ tướng phát lệnh khởi công 3 dự án giao thông quan trọng
Sáng 18/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ và phát lệnh khởi công đồng loạt xây dựng 3 dự án giao thông quan trọng quốc gia: đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính TP.HCM và các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tướng cho rằng, đây là những dự án của "ý Đảng, lòng dân".
Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,3 km đi qua TP. HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng; dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Quy mô giai đoạn phân kỳ sẽ có 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên.
Phát biểu tại điểm cầu chính ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn bà con nhân dân TP.HCM và các tỉnh nơi triển khai các dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà cửa để nhường mặt bằng cho các dự án.
Theo Thủ tướng, điều đặc biệt của 3 dự án khởi công hôm nay là các dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng. Ba cơ chế này đều đã phát huy tối đa tác dụng, khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành cơ chế mới để hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết của Đảng.
Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu..., công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân là rất khó khăn.
Tuy nhiên, các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, sự ủng hộ, chia sẻ của người dân, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung nên công tác giải phóng mặt bằng của cả 3 dự án cơ bản đảm bảo tiến độ.
Đặc biệt, đối với địa bàn TP.HCM, trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87% (356 ha/410 ha). Đây là một kỳ tích bởi tính chất phức tạp trong giải phóng mặt bằng qua nội đô, quy mô đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng người dân..
"Kết quả này càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng. Nhưng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các địa phương có dự án đi qua đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng,…Trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 03 dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các dự án đi qua các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với số km đường cao tốc hiện nay còn thấp so với các khu vực khác.
Mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ với tinh thần “tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước”.
Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ GTVT mà là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các địa phương, bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương. Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành 03 Dự án này cũng như những Dự án đầu tư phát triển hạ tầng khác đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm chất lượng; tiến độ; phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý sai phạm.