Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc kết nối TPHCM đi Tây Nguyên
Dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài hơn 52km, là cao tốc đầu tiên kết nối TPHCM với khu vực Tây Nguyên thông qua các tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Hôm nay (1/2), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khởi công dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương, đồng thời trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Dự sự kiện có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ.
Dự án đường cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 52 km, được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án qua tỉnh Bình Dương bắt đầu từ đoạn giáp ranh giữa TP Thuận An với TPHCM (Vành đai 3), kết thúc tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Các đoạn còn lại của toàn dự án được TPHCM và Bình Phước đầu tư.
Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5 mét.
Tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 8.833 tỷ đồng được nhà đầu tư thực hiện theo hình thức PPP, chi phí giải phóng mặt bằng 8.530 tỷ đồng, được trung ương bố trí 4.000 tỷ đồng, ngân sách Bình Dương 4.530 tỷ đồng. Thời gian thi công trong khoảng 36 tháng và có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Nhà đầu tư dự án là liên danh Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC), Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước (BCMC) và Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả.
Loại hợp đồng thực hiện là xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), thời gian vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (thu phí) là 32 năm 5 tháng.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên nối TPHCM với khu vực Tây Nguyên, khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa (dự kiến khởi công vào tháng 9/2025) để đến Tây Nguyên. Đồng thời đây cũng là tuyến cao tốc đầu tiên tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, giúp tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương rà soát lại các thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tính toán lại tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào ngày 2/9/2026 (sớm hơn dự kiến là năm 2027); bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; kiểm tra, đôn đốc, chăm lo việc tái định cư cho nhân dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát với trách nhiệm cao nhất phải bám sát mục tiêu, yêu cầu, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục, quy trình thi công; làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua dông bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.
Nhấn mạnh dự án TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và kéo dài lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) có ý nghĩa chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, dự án này phần lớn đi qua tỉnh Bình Dương, rất quan trọng với Bình Dương, nhưng với Tây Nguyên còn quan trọng hơn, "có con đường này thì Đắk Nông mới thoát nghèo được, Bình Phước mới giàu lên được".
Do đó, Thủ tướng yêu cầu TPHCM khẩn trương đầu tư càng sớm càng tốt đoạn tuyến 3 km thuộc địa phận TPHCM, tỉnh Bình Phước đẩy nhanh việc triển khai đoạn tuyến 7 km còn lại qua tỉnh với tinh thần không trông chờ, ỷ lại và mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông toàn tuyến khi đoạn qua Bình Dương hoàn thành.
Tại buổi lễ, Bình Dương đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, dự án khác có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.