Thủ tướng quyết liệt, tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn chậm
Nhiều bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm nên lấy ý kiến nhiều vòng làm mất cơ hội cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tạo nguồn vốn cho phát triển.
Chỉ riêng năm 2017, Thủ tướng đã có hai văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp (DN) nhà nước với danh sách cụ thể.
Chẳng hạn, Quyết định 991/2017 của Thủ tướng yêu cầu năm 2019 phải cổ phần hóa 18 DN. Nhưng hết quý II-2019 mới chỉ có sáu DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, chỉ có một DN thuộc danh mục các DN cổ phần hóa theo Công văn số 991/2017
Công văn 991/2017 còn yêu cầu đến năm 2020 phải cổ phần hóa được 127 DN nhà nước. Tuy vậy, đến hết quý II-2019 mới có 35/127 DN cổ phần hóa. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Cũng năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg yêu cầu năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 DN. Tuy nhiên, đến hết quý II-2019, mới có chín DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232 thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II-2019, việc thoái vốn nhà nước chỉ diễn ra tại 88/406 đơn vị thuộc danh mục phải thoái vốn giai đoạn 2017-2020, với giá trị 4.549 tỉ đồng, thu về 8.765 tỉ đồng.
“Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn như vậy là rất chậm, không đạt được yêu cầu đề ra” - ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 5-8.
Ông Tiến cho hay dù những khó khăn về cơ chế đã được tháo gỡ nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai đã được tháo gỡ, việc cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường đã được thúc đẩy.
Một tình trạng khác đó là, dù đã cổ phần hóa, nhưng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng không được thực hiện nghiêm. Đến hết quý II-2019, theo rà soát của Bộ Tài chính (UBCKNN) vẫn còn 622 DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 DN vào danh sách các DN cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 DN cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Tiến nói: “Đăng ký niêm yết là trách nhiệm của lãnh đạo các DN, UBND các tỉnh, TP. Nếu các cơ quan đại diện sở hữu chỉ đạo quyết liệt, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì mới tích cực. Khi niêm yết thì thanh khoản của DN cao hơn, cơ hội tiếp cận dòng vốn lớn hơn, thúc đẩy mua bán vốn tốt hơn”.
Trong thoái vốn, đã có quy định DN, bộ, ngành nào không bán được vốn thì bàn giao về SCIC vì đây là cơ chế có trách nhiệm cao hơn. Tuy vậy, theo ông Tiến, nhiều bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành vì không phải chuyên trách nên sợ trách nhiệm. Có địa phương lấy ý kiến các sở, ngành một vòng, rồi quay về thấy chưa yên tâm nên chuyển lên xin ý kiến cấp trên. Điều này làm mất đi cơ hội cho các DN thoái vốn thành công.
“Thủ tướng đã có ý kiến rồi. Các địa phương nếu có DN nào vướng mắc thì phải báo cáo để tháo gỡ. Kế hoạch đã đưa ra thì ít nhất phải hoàn thành 50%. Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát các DN đã cổ phần hóa rồi mà chưa quyết toán, trong đó có nhiều DN lớn” - ông Tiến cho hay.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN vào ngân sách nhà nước, số còn phải chuyển về ngân sách nhà nước trong năm 2019 là 20.000 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến quý II-2019, đã chuyển 185.000 tỉ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỉ đồng từ quỹ vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/thu-tuong-quyet-liet-tien-do-co-phan-hoa-dnnn-van-cham-850156.html