Thủ tướng Scholz muốn Đức trở thành 'người đảm bảo' an ninh cho châu Âu
Nhận định thế giới đang ở trong một bước ngoặt lớn, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức sẽ trở thành bên đảm bảo an ninh cho châu Âu mà các quốc gia đồng minh có thể dựa vào.
Trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs đăng ngày 5-12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh thế giới đang đang trải qua những thay đổi lớn, vì thế Đức cần phải đảm bảo an ninh cho châu Âu, đài RT đưa tin.
Mở đầu bài viết, ông Scholz lập luận rằng thế giới đang ở thời điểm Zeitenwende (bước ngoặt) với những thay đổi lớn đặc trưng do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine mà theo ông là đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, cùng sự nổi lên hoặc tái xuất hiện của các cường quốc.
Ông nhấn mạnh rằng trong thế giới đa cực và các quốc gia đang cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng lẫn nhau, Đức “đang làm mọi thứ để có thể bảo vệ và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức “có ý định trở thành người đảm bảo an ninh cho châu Âu mà các quốc gia đồng minh mong đợi ở chúng tôi, và là người xây dựng cầu nối trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như là người ủng hộ cho các giải pháp đa phương đối với các vấn đề toàn cầu".
Theo ông Scholz, đó chính là cách duy nhất Đức "có thể lèo lái thành công những rạn nứt địa chính trị của thời đại chúng ta".
Ông cũng nhấn mạnh lịch sử của Đức đã trao cho nước này trách nhiệm “chống lại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc”, đồng thời với tư cách một quốc gia từng bị chia cắt suốt nhiều thập niên trong thế kỷ 20, Đức nhận thức rõ “những nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Ngoài ra, trong bài viết, ông Scholz đề xuất EU cần có cách tiếp cận khác về cơ bản đối với quốc phòng, do đó chiến lược quân sự của Đức giờ đây sẽ tập trung vào “các mối đe dọa mà chúng tôi và các đồng minh phải đối đầu ở châu Âu, trước mắt là từ Nga” với "mục tiêu là một quân đội Đức (Bundeswehr) mà chúng tôi và các đồng minh có thể dựa vào".
“Để đạt được điều đó, Đức sẽ đầu tư 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chúng tôi vào nền quốc phòng” - Thủ tướng Đức cho hay.
Dù vậy, tờ Rheinische Post ngày 4-12 trích dẫn một báo cáo của Viện kinh tế Đức cho hay Berlin sẽ không thể đạt được mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP cho tới năm 2026. Theo các nhà nghiên cứu, bất chấp việc Đức vào đầu năm nay công bố một quỹ đặc biệt dành cho quốc phòng trị giá 100 tỉ euro (10,5 tỉ USD) thì cũng không thể thay đổi được tình hình.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo mục tiêu “rất xa vời và thậm chí những hoạt động mua sắm vũ khí cần thiết cũng không giúp đẩy nhanh tiến độ”. Theo nghiên cứu trên, việc giá cả gia tăng gần đây cũng như sự chậm trễ trong việc sản xuất các thiết bị quân sự là nguyên nhân khiến Berlin không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch.
Theo báo cáo, để đạt được mức chi tiêu quốc phòng như kỳ vọng, chính phủ Đức cần tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên “ít nhất 5%".
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, Thủ tướng Scholz tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Theo NATO, Đức dự kiến sẽ chi một khoản tương đương 1,44% GDP cho quốc phòng vào năm 2022.
Hãng tin Bloomberg ngày 5-12 dẫn một “tài liệu từ chính phủ Đức” tiết lộ rằng nội các của ông Scholz có kế hoạch dành 10 tỉ euro lấy từ quỹ quốc phòng đặc biệt để mua 35 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A Lightning II của Mỹ. Dự kiến các máy bay đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Đức vào năm 2026.
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn một tài liệu mật gửi tới ủy ban ngân sách của quốc hội Đức bày tỏ "quan ngại về sự chậm trễ và chi phí bổ sung” liên quan tới thương vụ trên. Ngoài ra, tài liệu cũng nghi ngờ Berlin có thể không thực hiện kịp các nâng cấp cần thiết cho căn cứ không quân Buechel, nơi dự kiến sẽ tiếp nhận các máy bay phản lực mới, khi chúng được chuyển giao.