Thủ tướng Starmer nói sẽ thay đổi nước Anh, nhưng tiền đâu để làm việc đó?

Ngay khi tiếp quản số 10 Downing, Ông Keir Starmer tuyên bố sẽ thay đổi nước Anh, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết nhiều vấn đề xã hội tồn đọng. Song, những ràng buộc ngày càng tăng về ngân sách có thể buộc Thủ tướng Starmer phải lựa chọn giữa việc tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu, nếu ông muốn thực hiện lời hứa ấy.

Những mục tiêu tham vọng

Năm 2010, sau khi cử tri phế truất đảng Lao động Anh khỏi quyền lực, Liam Byrne - một viên chức kho bạc cấp cao, đã để lại một tờ giấy viết tay cho người kế nhiệm đến từ đảng Bảo thủ. “Tôi e là không có tiền”, tờ giấy viết.

Ông Keir Starmer phát biểu tại Văn phòng Thủ tướng sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Ảnh: Getty Images.

Ông Keir Starmer phát biểu tại Văn phòng Thủ tướng sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Ảnh: Getty Images.

Hiện nay, khi đảng Lao động trở lại nắm quyền, họ phải gánh chịu một tình huống tương tự như năm 2010: Thiếu kinh phí để giải quyết vô số thách thức kinh tế và xã hội của Vương quốc Anh.

Giống như nhiều nước phương Tây, Anh đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine, gây tổn hại đến nền kinh tế, đẩy giá năng lượng tăng cao và gây căng thẳng cho ngân sách. Chính phủ đảng Bảo thủ sắp mãn nhiệm đã tăng chi tiêu công để ứng phó, tăng thuế lên mức cao nhất trong thời kỳ hậu chiến và đẩy nợ lên mức cao nhất của Anh trong 6 thập kỷ, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu tài chính, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại London.

Đối với tân Thủ tướng Keir Starmer, điều này đặt ra một vấn đề. Ông đã dành 2 năm qua để đi khắp Vương quốc Anh, hứa với cử tri rằng ông sẽ khởi động lại nền kinh tế, củng cố cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của đất nước và sửa chữa dịch vụ y tế do nhà nước điều hành quá tải, phải vật lộn với tình trạng tồn đọng hàng triệu người đang chờ gặp bác sĩ.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng, ông Starmer tái khẳng định tầm nhìn đầy tham vọng của mình.

“Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ xây dựng lại nước Anh, với sự giàu có được tạo ra trong mọi cộng đồng, [dịch vụ y tế] của chúng ta sẽ trở lại bình thường, hướng đến tương lai, biên giới an toàn, đường phố an toàn hơn”, ông nói. “Và, từng viên gạch một, chúng ta sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng, xây các trường học và cao đẳng đẳng cấp thế giới, những ngôi nhà giá rẻ mà tôi biết là những thành phần của hy vọng cho những người lao động”.

Di sản kinh tế đáng thất vọng

Các nhà phân tích cho biết, việc thực hiện tất cả những cam kết đó mà không có tăng trưởng nhanh hơn hoặc các sáng kiến chi tiêu mới sẽ là một thách thức, đặc biệt là đối với một đảng thường dựa vào chi tiêu công để mang lại kết quả cho cử tri.

Một bệnh viện ở Tây London đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực. Ảnh: Zuma Press.

Một bệnh viện ở Tây London đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực. Ảnh: Zuma Press.

Thủ tướng Keir Starmer đã được trao “di sản kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh sau chiến tranh”, tiến sĩ Mujtaba Rahman - Giám đốc khu vực châu Âu tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết. "Nó sẽ trở nên khá thách thức đối với ông ấy".

Nợ công của Anh đã tăng vọt dưới thời cả chính phủ Bảo thủ và Lao động trước đây. Hiện tại, nợ công là 101% tổng sản phẩm quốc nội, tăng so với mức trung bình chỉ dưới 40% trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2008.

Và, nhu cầu đối với tài chính công của Anh sẽ chỉ tăng lên: Dân số già đi đòi hỏi nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn. Anh cũng đang chịu áp lực phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để ứng phó với những biến động địa chính trị mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. London cũng cần nguồn tài chính lớn để đẩy mạnh chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Những yêu cầu bức thiết ấy, kết hợp cùng tăng trưởng yếu và giá năng lượng cao, đang trở thành “một hỗn hợp độc hại đối với tài chính công”, IFS cho biết trong một nghiên cứu vào tháng 6.

Các bác sĩ trẻ biểu tình đòi tăng lương bên ngoài Văn phòng Thủ tướng. Ảnh: Zuma Press.

Các bác sĩ trẻ biểu tình đòi tăng lương bên ngoài Văn phòng Thủ tướng. Ảnh: Zuma Press.

Điều đó có nghĩa là chính quyền của Thủ tướng Starmer sẽ phải cắt giảm hàng chục tỷ bảng dành cho dịch vụ công mỗi năm trừ khi muốn tăng thêm thuế hoặc nợ, những động thái có thể khiến thị trường tài chính lo sợ. “Những quyết định lớn về quy mô và hình dạng của nhà nước sẽ cần phải được đưa ra”, IFS cho biết.

Vương quốc Anh phải luôn cảnh giác với mức nợ của mình. Chỉ 2 năm trước, thủ tướng lúc bấy giờ là Liz Truss đã gây ra một cuộc chạy đua trên đồng bảng Anh bằng cách công bố các khoản cắt giảm thuế khiến tài chính công gặp rủi ro. Phản ứng của thị trường rất nhanh và bà Truss đã mất chức chỉ trong vài tuần.

Vì thế, Thủ tướng Keir Starmer đã cố gắng quản lý kỳ vọng về những gì chính phủ của ông có thể đạt được trong ngắn hạn. “Chúng tôi muốn thay đổi. Chúng tôi muốn mang lại hy vọng. Nhưng, chúng tôi cũng đang cố gắng thực tế và trung thực về di sản mà chính phủ này để lại”, Pat McFadden - một phụ tá hàng đầu của ông Starmer nói với BBC.

Ông Starmer, trong nỗ lực xóa bỏ hình ảnh của đảng Lao động như một đảng đánh thuế và chi tiêu quá nhiều, chỉ đưa ra mức tăng thuế có mục tiêu để vá víu các dịch vụ công của quốc gia và cam kết kiểm soát nợ công. Ông và bà Rachel Reeves - tân Bộ trưởng Tài chính cho biết họ sẽ xây thêm nhà, giảm nhập cư, tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng xanh mới và giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc đặt lịch hẹn trong hệ thống y tế.

Nhưng, trong suốt chiến dịch, đảng Lao động đã phải thu hẹp kế hoạch của mình, từ bỏ ý tưởng vay 28 tỷ bảng, để tài trợ cho một đạo luật tương đương với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.

Không rõ đảng Lao động sẽ tài trợ cho các lời hứa của mình như thế nào, vì họ cũng đã cam kết giảm nợ chính phủ theo tỷ lệ phần trăm GDP. Chắc chắn, họ sẽ thừa hưởng từ đảng Bảo thủ sắp rời đi các khoản cắt giảm chi tiêu theo kế hoạch khoảng 26 tỷ USD từ năm 2025 đến năm 2027.

Nhưng, chính phủ mới sẽ phải tìm thêm tiền để đối phó với chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và chi tiêu quân sự bổ sung. Khi số người già tăng lên và mọi người sống lâu hơn, chính phủ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho chăm sóc sức khỏe chỉ để duy trì dịch vụ ở mức hiện tại.

Rob Wood, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics cho biết: “Thuế sẽ phải tăng trong trung hạn do tình hình tài chính công hỗn loạn và đảng Lao động sẽ rơi vào tình huống khó khăn khi phải lựa chọn giữ việc phá vỡ lời hứa giữ nguyên hầu hết các loại thuế lớn và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế”. Chỉ có 34% cử tri ủng hộ đảng Lao động trong cuộc bầu cử tại Anh năm nay.

Phép thử “nặng đô” với đảng Lao động

Các vấn đề hiện tại đã có từ hơn một thập kỷ trước. Vào năm 2010, chính phủ đảng Bảo thủ đã bắt đầu một chương trình thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt và nợ của chính phủ, với những tác động của các đợt cắt giảm đó vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trên khắp cả nước.

Thủ tướng Starmer và bà Rachel Reeves (tân Bộ trưởng Tài chính Anh) sẽ đối mặt những thách thức lớn về ngân sách. Ảnh: Zuma Press.

Thủ tướng Starmer và bà Rachel Reeves (tân Bộ trưởng Tài chính Anh) sẽ đối mặt những thách thức lớn về ngân sách. Ảnh: Zuma Press.

Chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ thanh, thiếu niên và trung tâm trẻ em tới mức hơn ba phần tư ngân sách trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2023. Số lượng các vụ án tồn đọng tại Tòa án Hoàng gia đang ở mức cao nhất trong hồ sơ sau khi ngân sách bị cắt giảm. Mật độ tù nhân trong các nhà tù đang gần đạt mức cao nhất và một số kẻ tội phạm đang được thả sớm để nhường chỗ cho người mới.

Khoảng 6,3 triệu người ở Anh đang chờ đợi để được khám bệnh và thường mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để được khám tại phòng cấp cứu. Thành công của Anh trong việc chẩn đoán nhanh các trường hợp ung thư đang tụt hậu so với các nước khác.

Ông Starmer đã hứa với cử tri rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: The Independent.

Ông Starmer đã hứa với cử tri rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: The Independent.

Nhiều người Anh đang sốt ruột chờ đợi sự thay đổi. Năm năm qua đánh dấu nhiệm kỳ quốc hội đầu tiên kể từ khi có số liệu thống kê vào những năm 1950 chứng kiến mức sống giảm sút, vì lạm phát làm xói mòn thu nhập. Lạm phát hiện đang giảm xuống. Nhưng, nhiều người Anh bình thường đang gặp khó khăn hơn và nền kinh tế chỉ tăng trưởng rất chậm: trung bình 1,3% kể từ năm 2016.

Nhiều tiền hơn không phải là câu trả lời duy nhất. Ví dụ, kể từ năm 2019, số lượng bác sĩ và y tá đã tăng 20%, nhưng số lượng bệnh nhân tồn đọng vẫn còn lớn.

Thủ tướng Starmer đã lập luận rằng hệ thống y tế có thể được vận hành hiệu quả hơn - ông muốn đảm bảo có thêm 40.000 cuộc hẹn mỗi tuần vào buổi tối và cuối tuần, được chi trả bằng cách trấn áp những kẻ trốn thuế. Đảng Lao động cũng sẽ làm việc với các công ty y tế tư nhân để giảm tình trạng tồn đọng.

Thủ tướng Starmer cũng đang nhắm đến những thay đổi về mặt cấu trúc, chẳng hạn như cải cách các quy định quy hoạch nặng nề của Anh - vốn thường xuyên ngăn cản sự phát triển mới, từ nhà ở đến đường sắt. Liệu ông có thể thực hiện những lời hứa đó hay không, nhất là khi những chính sách như vậy thường phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của địa phương?

Những gì Thủ tướng Starmer sắp làm sẽ cho thấy phần nào lời đáp. Và, hành trình hiện thực hóa các cam kết thúc đẩy tăng trưởng của ông có thể xem như phép thử lớn nhất đối với đảng Lao động, trong lần trở lại nắm quyền sau 14 năm đóng vai “kép phụ” trên chính trường nước Anh.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/thu-tuong-starmer-noi-se-thay-doi-nuoc-anh-nhung-tien-dau-de-lam-viec-do--i737656/