Thủ tướng: Tăng cường giám sát để tín dụng đi đúng và đi trúng mục tiêu
Theo Thủ tướng, nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp...
Ngày 6/12, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh nhiều thời cơ và thách thức đan xen, dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng "lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng nội"; bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tập trung tín dụng cho đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
"Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách. Kiểm soát các hoạt động tín dụng nhân dân. Bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng giao cơ quan quản lý tiền tệ sửa đổi Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp. Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng phân tích rằng nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, tránh phô trương, lãng phí và loại bỏ tư tưởng "năm nay thu ít để sang năm không bị giao nhiều". Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, có chính sách giá cả hợp lý đối với các các lĩnh vực như hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu..., tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu nhưng khi có vấn đề đột xuất thì phải có công cụ quản lý của Nhà nước để ổn định lại thị trường, đưa thị trường trở lại vận hành bình thường.
"Giữ ổn định giá cả phù hợp với thu nhập người dân và chi phí của doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, khâu trung gian, chi phí đầu vào không cần thiết", Thủ tướng lưu ý.
Đối với thị trường lao động, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ lại thị trường lao động, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
"Đồng thời có biện pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp, cơ cấu lại thị trường lao động phù hợp giữa số lao động mất việc và nhu cầu tuyển dụng lao động; xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là vào dịp Tết", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Tổ công tác về thị trường bất động sản tập hợp, đề xuất giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư; hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các dự án; đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan Luật Đất đai, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở xã hội...
Bộ Công Thương được yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Còn Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu trang thiết bị, thuốc trong tháng 12 và không để lặp lại; đẩy mạnh tiêm vaccine, không để dịch chồng dịch...