Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng để thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Hội nghị 5 trong 1 về Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/6 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Việc tổ chức Hội nghị này để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị 5 trong 1 này là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, bao gồm: (1) Công bố Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; (2) Công bố quy hoạch vùng ĐBSCL theo quy định của Luật Quy hoạch và xúc tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL; (3) Giới thiệu Chỉ thị về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Công bố các cam kết tài trợ quốc tế; (5) Tổ chức triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới. Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng anh hùng của nhân dân; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm... tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo; chân tình, cởi mở, phóng khoáng.

Với những đặc điểm của mình, ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho biết, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

“Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển của ĐBSCL thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất. Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là cán bộ các cấp cần phải năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy, trăn trở nhiều hơn nữa. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỉ lệ lao động vùng qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước (năm 2020, cả nước có tỉ lệ 64,5% lao động qua đào tạo, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24,5”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng cho biết, đây là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cho ĐBSCL

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 38/NQ-CP), không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi, tiếp tục tiêm mũi thứ 3, thứ 4, hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia đã đề ra, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời.

Về triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương…

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần…

Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, Thủ tướng yêu cầu tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-tap-trung-thao-go-diem-nghen-ve-ha-tang-de-thuc-day-phat-trien-vung-dong-bang-song-cuu-long-post200165.html