Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ chức vụ: Lùi để tiến?

Việc bà Paetongtarn Shinawatra tạm rời chức Thủ tướng có thể giúp đảng Pheu Thai lùi về sau, giảm áp lực từ dư luận, củng cố sự ủng hộ để trở lại mạnh mẽ hơn, nhưng cũng có thể đánh dấu sự thay đổi quan trọng trên chính trường Bangkok.

Thủ tướng bị đình chỉ Paetongtarn Shinawatra vẫy tay chào các phóng viên khi rời Tòa nhà Chính phủ vào chiều 1/7. (Nguồn: Bangkok Post)

Thủ tướng bị đình chỉ Paetongtarn Shinawatra vẫy tay chào các phóng viên khi rời Tòa nhà Chính phủ vào chiều 1/7. (Nguồn: Bangkok Post)

Ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, đã đình chỉ chức vụ Thủ tướng với bà Paetongtarn Shinawatra sau khi phê chuẩn việc tiếp nhận đơn kiện từ nhóm Thượng nghị sĩ tố cáo bà đã hành động vi hiến. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Suriya Juangroongruangkit sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng tạm quyền đến khi Tòa án ra phán quyết cuối cùng, dự kiến trong 15 ngày tới. Bà Paetongtarn sẽ vẫn hiện diện ở chính phủ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, chức vụ bà kiêm nhiệm sau khi thay đổi nội các một ngày trước.

Trước đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng nhất trí tiếp nhận đơn kiến nghị của 36 Thượng nghị sĩ do Chủ tịch Thượng viện Mongkol Surasajja đề xuất về phế truất bà Paetongtarn theo Điều 170, khoản 4 cùng Điều 160, khoản 4 và 5, do có hành vi “thiếu trung thực” và “vi phạm tiêu chuẩn đạo đức”. Cụ thể, trong đoạn ghi âm cuộc điện đàm cá nhân giữa nhà lãnh đạo này với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen giữa tháng 6, bà Paetongtarn đã mô tả Tư lệnh Quân khu II của Thái Lan là “đối thủ”. Đoạn ghi âm này sau đó đã được tiết lộ một phần trên mạng xã hội, trước khi được ông Hun Sen đăng tải toàn bộ lên trang Facebook cá nhân.

Rút củi đáy nồi

Thoạt nhìn, đây là cú sốc lớn với chính quyền đương nhiệm. Trên thực tế, đây có thể là kịch bản mà đảng Pheu Thai và bà Paetongtarn đã dự báo trước, với một số đối sách chiến lược để giảm thiểu tác động, chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ hơn.

Trước hết, đó là việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Juangroongruangkit sẽ là Thủ tướng tạm quyền, ít nhất trong 15 ngày tới. Chính trị gia 71 tuổi này đã có 23 năm kinh nghiệm đứng đầu các Bộ của chính phủ Thái Lan. Việc được tin tưởng giao trọng trách xuyên suốt các đời lãnh đạo, từ thời ông Thaksin Shinawatra, Prayut Chan-o-cha, Srettha Thavisin và mới đây là bà Paetongtarn Shinawatra, những người có lập trường trái ngược nhau, phản ánh uy tín của ông, khả năng thích ứng với hoàn cảnh và có thể góp phần giảm thiểu những bất hòa nội bộ, điều chính phủ Thái Lan đang rất cần trong thời điểm hiện tại. Chính trị gia này cũng là chú của Thanathorn Juangroongruangkit, nhân vật từng “gây sóng gió” trong cuộc bầu cử năm 2019 trước khi vướng vào vòng lao lý với cáo buộc tội khi quân.

Ngoài ra, cần nhớ rằng trong những ngày qua, tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn đã giảm mạnh, từ 30% ba tháng trước xuống hiện chỉ còn 9%. Áp lực từ dư luận, phe đối lập cùng nội bộ khiến chiếc ghế của bà lung lay hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi cùng ngày 1/7, Tòa án hình sự ở Bangkok đã bắt đầu phiên xét xử cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trong bối cảnh đó, việc ông Suriya Juangroongruangkit, chính trị gia giàu kinh nghiệm, uy tín này đảm nhiệm cương vị Thủ tướng tạm quyền sẽ ít nhiều hạ nhiệt dư luận, góp phần dung hòa khác biệt giữa các bên trong liên minh cầm quyền và tạm hướng sự chú ý của công chúng khỏi gia đình Shinawatra.

Củng cố quyền lực

Tuy nhiên, bước đi đáng chú ý hơn cả của đảng Pheu Thai là hoàn thành sắp xếp nội các ngay trước khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ của bà Paetongtarn Shinawatra. Dù quá trình này đã được khởi động từ trước đó vài tháng, song đẩy nhanh hoàn thành tiến trình này, với sự phê chuẩn của Quốc vương chỉ 1 ngày trước phán quyết của Tòa án cho thấy mục tiêu rõ ràng của sự thay đổi lần này.

Đầu tiên, đó là duy trì sự hiện diện của bà Paetongtarn trong nội các mới, ngay cả khi không còn giữ cương vị Thủ tướng. Theo sắp xếp trong nội các, chính trị gia này sẽ kiêm nhiệm phụ trách Bộ Văn hóa. Sau phán quyết của Tòa án, dù bị đình chỉ chức vụ, song bà vẫn tiếp tục là Bộ trưởng của Bộ này và có thể góp mặt, đưa ra ý kiến trong các cuộc họp chính phủ, dù không còn đóng vai trò chỉ đạo trực tiếp.

Ngoài ra, sắp xếp nội các này sẽ củng cố quyền lực của đảng Pheu Thai. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phumtham Wechayachai, đồng minh của bà Paetongtarn, sẽ chuyển sang lãnh đạo Bộ Nội vụ. Theo Bangkok Post (Thái Lan), với chức năng quản lý chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh nội địa và phân bổ ngân sách địa phương, đây là một trong những bộ quan trọng nhất. Đặc biệt, khả năng liên kết với mạng lưới lãnh đạo cấp cơ sở của bộ có vai trò then chốt trong tăng cường sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh bầu cử đang đến gần. Tờ Bangkok Post nhận định, đây là một phần lý do đảng Pheu Thai từ chối giao quyền bộ này cho Bhumjaithai, ngay cả khi đảng này đe dọa rời liên minh và khiến chính phủ đánh mất hàng chục ghế tại Quốc hội.

Cuối cùng, sự điều chỉnh nhân sự ở Bộ Quốc phòng Thái Lan phản ánh tính toán của đảng Pheu Thai nhằm giảm bất đồng giữa chính quyền trung ương và quân đội. Theo đó, Đại tướng Nattaphon Narkphanit, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sẽ làm Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền. Chính trị gia 64 tuổi này đứng đảm nhiệm nhiều cương vị trong quân đội, nổi bật là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha cùng vai trò tích cực trong nỗ lực chung nhằm phòng chống đại dịch Covid-19. Việc bổ nhiệm một thành viên đảng Thống nhất Quốc gia Thái Lan (UTN) trong liên minh cầm quyền và nhân vật thân tín của ông Prayuth nắm quyền Bộ Quốc phòng sẽ giúp đảng Pheu Thai giảm thiểu bất đồng với giới lãnh đạo quân đội, xây dựng chính sách và hành động nhất quán để giải quyết căng thẳng biên giới với Campuchia hiện nay. Trước đó, ngày 17/6, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Nattaphon Narkphanit đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Trung tâm Đặc nhiệm về vấn đề biên giới Thái Lan-Campuchia.

Canh bạc may rủi

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu bỏ qua những thách thức đến từ việc bà Paetongtarn bị tạm đình chỉ chức vụ. Cần nhớ rằng trước đó, người tiền nhiệm của bà, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin, cũng từng vướng cáo buộc vi hiến tương tự vì bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, cựu luật sư có tiền án, làm Bộ trưởng Bộ Văn phòng chính phủ. Phán quyết sau cùng của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã buộc nhà lãnh đạo này phải rời nhiệm sở, nhường lại ghế nóng cho chính bà Paetongtarn.

Trong quá khứ, Tòa án Hiến pháp Thái Lan thường ra phán quyết bất lợi cho gia đình Shinawatra, từ ông Thaksin tới bà Yingluck. Ngoài ra, ông Thaksin vẫn đang dự phiên xét xử của Tòa án hình sự ở Bangkok. Nếu “bổn cũ soạn lại”, điều này sẽ tác động đáng kể tới tầm ảnh hưởng của gia đình Shinawatra tới chính trường Thái Lan và, từ đó, có thể mở đường cho sự trở lại của các đảng phái có quan hệ gần gũi với quân đội Hoàng gia.

Đồng thời, ngay cả khi “gió xoay chiều”, không có gì bảo đảm rằng sự hiện diện của các chính trị gia kỳ cựu, với thành phần đa dạng tại các vị trí then chốt như Thủ tướng tạm quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ giúp đảng Pheu Thai ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự trở lại của bà Paetongtarn.

Như vậy, với một số đối sách nhất định, đảng Pheu Thai và bà Paetongtarn đã nỗ lực chuyển hóa tình huống bất lợi thành một canh bạc lớn, nơi họ có sự chủ động hơn trong giảm thiểu tác động và chuẩn bị cho tương lai, dù còn đó nhiều rủi ro.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-thai-lan-bi-dinh-chi-chuc-vu-lui-de-tien-319631.html