Thủ tướng Thái Lan khẳng định không ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar
Chính phủ Thái Lan ngày 29/3 bác bỏ cáo buộc đang hỗ trợ cho chính quyền quân sự Myanmar sử dụng vũ lực với người dân, đồng thời khẳng định đang chuẩn bị cho một làn sóng tị nạn có thể xảy ra nếu xung đột leo thang.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, chính phủ của ông không ủng hộ việc sử dụng bạo lực để chống lại người dân, đồng thời bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính phủ Thái Lan đang viện trợ cho quân đội Myanmar. Người đứng đầu chính phủ Thái Lan đưa ra phát biểu trên sau khi ít nhất 90 người Myanmar đã thiệt mạng chỉ trong một ngày sau các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình.
Ông Prayut cũng cho biết, các nhà chức trách Thái Lan đang tích cực chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn chạy trốn bạo lực từ quốc gia láng giềng. Theo ông Prayut, Thái Lan không muốn một cuộc di cư vì bạo lực nhưng cũng sẽ tuân thủ nhân quyền. Về hoạt động kinh tế giữa hai nước, ông Prayut cho biết, mọi thứ vẫn diễn ra tiếp tục như bình thường vì quan trọng là sinh kế của người dân ở cả hai nước. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước các biện pháp do ASEAN và các tổ chức quốc tế khác áp đặt.
Trong khi đó, tại tỉnh biên giới Mae Hong Son, ít nhất đã có 3.000 người vượt biên chạy sang Thái Lan. Nhà chức trách tỉnh này cho biết, đã triển khai các biện pháp để tiếp cận với người tị nạn đồng thời những công dân Myanmar này sẽ chỉ được phép ở gần biên giới và có thể bị yêu cầu quay trở lại nếu tình hình lắng dịu.
Liên quan tới tình hình Myanmar, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 29/3 gọi đây là "một thảm kịch đang diễn ra". Ông Balakrishnan tiếng phản đối mạnh mẽ các cuộc đụng độ gây chết người tại Myanmar đồng thời hối thúc ASEAN cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tìm cách thoát khỏi khủng hoảng.
Ngoại trưởng Singapore cho rằng, ASEAN hoạt động trên sự đồng thuận nhưng quan điểm của 10 thành viên về cách đối phó với tình hình tại Myanmar là khác nhau. Hơn nữa chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên sẽ làm hạn chế khả năng hoạt động của khối.
Hiện tại 3 nước Malaysia, Indonesia và Philippines đang thúc đẩy một cuộc họp cấp cao khẩn cấp về Myanmar. Singapore cho biết họ ủng hộ một cuộc họp như vậy.
Ông Balakrishnan cho biết điều cần thiết là ASEAN phải xem xét, cân nhắc, ủng hộ và trở thành sự hiện diện mang tính xây dựng ở Myanmar. Ông cũng hy vọng Myanmar sẽ xem xét quan điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN./.