Thủ tướng: Thời gian vàng trong chống dịch, cần có giải pháp mạnh hơn nữa ngăn chặn dịch lây lan
Chiều 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 báo cáo công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (tính đến 12h ngày 16/3), thế giới ghi nhận 169.610 trường hợp mắc COVID-19 tại 158 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6.518 trường hợp tử vong. Tiếp tục ghi nhận sự chững lại về gia tăng số trường hợp mắc mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc, ghi nhận sự gia tăng mạnh tại các nước châu Âu và Mỹ, đặc biệt tại một số quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh...
Việt Nam đã ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19 (16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 42.956 người, trong đó có 2.227 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.318 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 32.411 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Ban chỉ đạo nhận định, đây là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Song đây cũng là giai đoạn vàng, thời gian vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhận định, trong thời điểm hiện nay, cần có giải pháp mạnh hơn nữa, ngăn chặn dịch COVID-19 đạt “đỉnh” lây lan, hạn chế tối đa người nhiễm. “Cần phải bình tĩnh, đoàn kết, tự tin, trách nhiệm hơn nữa để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh này. Bình tĩnh, không hoảng hốt trước đại dịch; bình tĩnh để chọn giải pháp sáng suốt"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người ở tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các thành phố lớn để hạn chế lây nhiễm, kể cả các quán bar, karaoke và các điểm có nguy cơ dễ lây nhiễm khác.
Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát.
Vai trò của địa phương, xã, phường hết sức quan trọng cùng với ngành y tế trong giám sát cá nhân từ nước ngoài về và những người nghi nhiễm.
Đánh giá cao các doanh nghiệp, đơn vị đã ủng hộ công tác phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động và đứng ra tiếp nhận để bàn giao cho Bộ Y tế mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu với giá thị trường. Thành lập tổ công tác do Bộ Tài chính làm tổ trưởng cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xác định giá một cách công khai, minh bạch để kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, y tế, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly với tinh thần “không để anh em quá vất vả mà chi phí quá thấp”.
Bộ Y tế, với những cách làm cụ thể, mua ngay thiết bị vật tư y tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp mua sắm thiết bị cho các bệnh viện của mình để đủ cơ số cần thiết theo sự phân công. Bộ Công Thương lo đủ khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc chống kỳ thị đối với người nhiễm COVID-19; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh dịch lây lan mạnh trên toàn cầu, nhất là ở châu Âu, các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, công an, các địa phương, huyện, xã có phương án “nóng” để chuẩn bị sẵn sàng cùng với phương án hiện nay. Tiếp tục huy động các bác sĩ, các y tá trong danh sách về hưu, trung cấp y khoa… để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.
Về vấn đề thông báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội và Đà Nẵng, Thủ tướng thống nhất việc thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì triển khai các gói tài trợ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác để thực hiện Chỉ thị 11 và sẵn sàng phục vụ việc phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề: Dịch tễ học của Trung Quốc cho thấy, 70% lây nhiễm là trong gia đình, do đó, cần tuyên truyền và hỗ trợ mạnh hơn cho các gia đình để phòng chống lây lan khi có yếu tố nguy cơ. Đặc biệt phát huy vai trò của phường, xã, tổ dân phố trong việc hỗ trợ hộ gia đình khi có người có nguy cơ nhiễm bệnh. “Chúng ta phải nắm chắc vì tất cả đều ở khu dân cư, khu phố. Các khu chung cư cao tầng đều phải có phương án phòng chống dịch”- Thủ tướng nhận định.
Dịch tễ học cũng cho thấy, người có bệnh nền, bệnh mãn tính, huyết áp, tim mạch, tiểu đường… có nguy cơ tử vong cao trong khi nhiều người Việt Nam không biết bệnh của mình. Đây là lúc khuyến cáo người trung và cao tuổi đi khám sức khỏe, kê khai y tế.
Nhấn mạnh xét nghiệm là biện pháp quan trọng để kiểm soát virus, Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp xét nghiệm triển khai rộng rãi là quan trọng, cần chú ý hơn các đối tượng yếu thế trong xã hội, e ngại đi khám, sống tập trung như lao động ngoại tỉnh, sinh viên sau khi đi học lại. Đặc biệt, người đi trên máy bay cần phải xem xét tình trạng y tế ngay trên máy bay và các hình thức xét nghiệm khác.
Hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, khi hạ cánh thì Bộ Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải bàn và quyết định vị trí hạ cánh trên tinh thần bảo đảm cách ly. Việc sàng lọc ngay trên máy bay sẽ giúp giải tỏa tốt ở các sân bay. Các sân bay phải có trách nhiệm kiểm soát y tế. Bộ Y tế phải làm tốt quy trình này một cách công khai, cụ thể.
Thủ tướng cho rằng, cần phát động đợt thi đua đặc biệt trong ngành y tế và các lực lượng liên quan nhằm ngăn chặn dịch một cách có hiệu quả./.