Thủ tướng: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành 'cơm ăn, nước uống hàng ngày'
Thủ tướng cho biết chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên trong năm nay, đòi hỏi huy động, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực phát triển.
Ngày 25-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (BCĐ) chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn BCĐ, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế, nổi bật là việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233 /NQ-CP và nếu đưa được các dự án này vào khai thác, sử dụng thì sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỷ USD.

Thủ tướng yêu cầu đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "cơm ăn, nước uống hàng ngày". Ảnh: VIẾT CHUNG
Về tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15, qua đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc. Riêng tại Đà Nẵng, theo thống kê đến nay, hơn 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị.
Đồng thời, giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây; thúc đẩy các dự án kéo dài như chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn kéo dài 20 năm, cùng một loạt dự án năng lượng, đặc biệt là hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trong vòng 6 tháng…
Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác phòng, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực, còn tình trạng lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công…; nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân và nguồn lực không được huy động cho sự phát triển.
Thủ tướng chỉ rõ, yêu cầu phát triển rất lớn, yêu cầu tăng trưởng rất cao, chúng ta đã nhìn nhận tương đối rõ tình trạng lãng phí nguồn lực còn nhiều, phức tạp, kéo dài nhiều năm, đồng thời cũng đã có kinh nghiệm để xử lý, khắc phục, hành lang pháp lý dần được hoàn thiện, các vướng mắc dần được tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thống nhất về nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, cả khu vực công và tư. Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.
Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…; các quy định của luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày".
Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực; rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Song song đó, rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng đã có 2 công điện về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Thủ tướng lưu ý, việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.
Do đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay một số ban chỉ đạo, tổ công tác khác đang hoạt động cùng có chức năng, nhiệm vụ xử lý tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hợp nhất các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nêu trên thành 1 Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, hoàn thành trước ngày 28-2.
Thủ tướng cũng cho rằng, với các trường hợp đặc biệt, đặc thù thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, có không gian đổi mới sáng tạo cho người chịu trách nhiệm ra quyết định để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cao nhất, tránh công việc kéo dài, gây lãng phí.