Thủ tướng: Tránh 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Sáng 19/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023.
Tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu
Diễn đàn có chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, cùng với xu hướng của thế giới, Việt Nam hướng đến phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững.
Trong quá trình phát triển đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh" hết sức có ý nghĩa.
Hội nghị sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu quốc tế như ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam có nhiều chia sẻ, kiến nghị để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050.
Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: "Các phát biểu tại Diễn đàn cho thấy chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau làm tốt hơn trong thời gian tới.
Qua nhiều lần tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chân thành, tin cậy giữa hai bên", Thủ tướng phát biểu.
“
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.
Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển.
”
Chia sẻ thêm về chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Song, ông nhấn mạnh tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau", không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.
Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt".
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.
Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Sớm có chính sách phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn rất tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kiến nghị về sửa đổi thể chế, cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất.
Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Về tới ngành dược, Quốc hội đã ban hành Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sắp tới các cơ quan sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược.
Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
Phải ngồi lại đàm phán về giá điện, không để ai thiệt thòi
Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.
Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.
Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Mặt khác, ông cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.