Thủ tướng Truss ra đi, sóng gió ở lại với chính trường Anh

Chính trường Anh đang trong cơn sóng gió lớn cùng tranh cãi giữa đảng Bảo thủ cầm quyền với Công đảng đối lập quanh chuyện tìm người thay thế Thủ tướng Liz Truss vừa mới từ chức.

Không thể trụ được trước làn sóng tranh cãi, phản đối vì sai lầm trong chính sách, ngày 20-10, bà Liz Truss đã tuyên bố từ chức sau sáu tuần tại vị ngắn ngủi. Bà Truss ra đi nhưng sóng gió vẫn ở lại chính trường Anh với sự đối đầu giữa đảng Bảo thủ cầm quyền với Công đảng và các đảng đối lập khác quanh chuyện tìm người ngồi vào ghế thủ tướng.

Công đảng: “Nước Anh không phải là thái ấp của họ”

Trong thông báo từ chức, bà Truss nói rằng đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ hoàn thành việc bầu lãnh đạo thay thế bà trong vòng một tuần. Đảng Bảo thủ cũng tuyên bố sẽ bàn bầu lãnh đạo trong vòng một tuần để kiếm người thay vào vị trí thủ tướng mà bà Truss để lại, theo kênh Sky News.

 Trong các nhân vật được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng Anh kế tiếp có cả cựu Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: CNBC

Trong các nhân vật được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng Anh kế tiếp có cả cựu Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: CNBC

Trong khi đó, Công đảng và các đảng đối lập khác kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức. Các đảng đối lập nêu rõ quan điểm rằng bất cứ ai thắng cuộc trong cuộc đua lãnh đạo đảng Bảo thủ thì nước Anh cũng phải tổ chức ngay lập tức một cuộc tổng tuyển cử.

“Đảng Bảo thủ không thể xử lý những xáo trộn mới nhất họ gây ra với việc chỉ lần nữa đơn giản nhấp ngón tay đảo lại hàng ngũ cấp cao của họ, mà không có sự đồng ý của người dân Anh. Chúng tôi cần một cuộc tổng tuyển cử ngay bây giờ” - ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đối lập, tuyên bố rắn sau thông báo của bà Truss.

Ông Starmer cho rằng đảng Bảo thủ đã “cho thấy họ không còn có quyền điều hành nữa”, đồng thời nói thêm rằng người dân Anh “xứng đáng hơn rất nhiều so với cánh cửa xoay vòng của sự hỗn loạn này”. Thậm chí ông Starmer còn nói rắn rằng “nước Anh không phải là thái ấp của cá nhân họ (đảng Bảo thủ) để họ muốn điều hành kiểu gì cũng được”.

Đồng bảng Anh đã tăng 0,5% bằng mức 1,13 USD, sau đó có giảm nhẹ. Chứng khoán Anh cũng tăng điểm, đầu tiên là chỉ số FTSE 100 (sau đó có giảm nhẹ), tiếp theo là chỉ số FTSE 250. Trao đổi với đài BBC, có nhà phân tích cho rằng các thị trường phần nào bớt áp lực sau khi bà Truss từ chức thủ tướng Anh, mặc dù tình hình còn nhiều bất ổn.

Thế khó của đảng Bảo thủ

Ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban năm 1922, một ủy ban có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn người lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã ấn định “ngưỡng cao” để chọn người thay thế bà Truss. Theo đó, các ứng cử viên thay thế bà Truss làm lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ cần ít nhất 100 đề cử từ các nghị sĩ đảng này.

“Chúng tôi đã cố định một ngưỡng cao nhưng là ngưỡng mà bất kỳ ứng cử viên nghiêm túc nào có triển vọng sẽ đạt được” - ông Brady nói, đồng thời cho biết thêm khả năng thủ tướng mới sẽ được công bố trong vòng một tuần.

Ngưỡng cao này sẽ loại trừ một số ứng cử viên tranh cử và có nghĩa là số người tối đa có thể ứng cử là ba. Các đề cử được mở từ bây giờ và sẽ đóng lúc 14 giờ ngày 24-10. Hai ứng cử viên cuối cùng sẽ tham gia một sự kiện tổ chức với các đài truyền hình tin tức, trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu trực tuyến cho các nghị sĩ Bảo thủ chọn ra lãnh đạo đảng.

Viễn cảnh mong chờ là các nghị sĩ đảng Bảo thủ dồn sự ủng hộ về một ứng cử viên, cuộc chọn lựa lãnh đạo đảng sẽ kết thúc vào ngày 24-10 nếu chỉ một người nhận đủ số đề cử. Theo ông Brady, thủ tướng mới sẽ được chọn vào ngày 28-10 và bà Truss sẽ vẫn làm thủ tướng cho đến lúc đó.

Theo như lời ông Brady và bà Truss thì đảng Bảo thủ có một tuần để chọn ra lãnh đạo mới của đảng đồng thời là thủ tướng mới của đất nước. Tuy nhiên, theo Sky News, điều này không phải đơn giản.

Cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ gần nhất - được khởi động sau khi ông Boris Johnson từ chức thủ tướng vào tháng 7 - kéo dài sáu tuần và gồm nhiều vòng bỏ phiếu. Cuối cùng bà Truss được chọn sau một cuộc chạy đua dài trong đảng Bảo thủ.

Chắc chắn các nghị sĩ muốn có một giải pháp nhanh chóng giải quyết sự hỗn loạn này, chứ không phải bước vào một cuộc chạy đua khác. Tuy nhiên, theo Sky News, sẽ không dễ dàng để đảng Bảo thủ hiện đang chia rẽ chọn ra một thủ tướng mới, sẽ không dễ có sự nhất trí rõ ràng về một ứng cử viên thay thế bà Truss. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ thời điểm này dường như ngày càng cố thủ hơn, chuyện tìm kiếm sự đồng thuận sẽ không dễ dàng.

Theo Sky News, nếu đảng Bảo thủ không thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng và suôn sẻ thì khả năng sóng gió chính trường Anh sẽ khó yên khi Công đảng và các đảng đối lập khác không từ bỏ yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử.•

“Mang Boris trở lại”

Theo Sky News, hiện có nhiều đồn đoán về việc ai có thể thay thế bà Truss và nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ kêu gọi mở đường cho cựu Thủ tướng Boris Johnson quay lại. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Johnson có khả năng gây chia rẽ, khi nhiều nghị sĩ khác của đảng Bảo thủ mô tả động thái như vậy là “tưởng tượng” và “quá sớm”.

Theo thông tin từ tờ The Times thì ông Johnson đang có kế hoạch tham gia cuộc đua. Tuy nhiên, theo một số người thân cận của ông Johnson thì lúc này ông quan tâm đến việc diễn thuyết hơn là quay lại chính trường.

Theo đánh giá của hãng tin Reuters, ngoài ông Johnson còn có những cái tên nổi bật có thể kể đến như cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Penny Mordaunt, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ben Wallace.

Ông Rishi Sunak là đối thủ chính của bà Truss trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ năm nay, hiện được xem là nhân vật hàng đầu để thay thế bà Truss. Khi tranh cử, ông Sunak đã cảnh báo rằng các kế hoạch tài chính của bà Truss là liều lĩnh và thực tế đã chứng minh điều ông nói là đúng. Theo đài CNBC, ông Sunak đã chèo lái nền kinh tế Anh vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, thế nên những người ủng hộ tin rằng ông có khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ngày càng trầm trọng ở Anh.

Bà Mordaunt là người về đích thứ ba trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, sau bà Truss và ông Sunak.

Ông Hunt vừa được bà Truss bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính không lâu, hiện được xem là nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ Anh sau khi ông vào cuộc sửa chữa kế hoạch kinh tế của bà Truss và xoa dịu thị trường đang hỗn loạn. Ông Hunt được coi là một lựa chọn ổn định vì từng đảm nhiệm một số vị trí cấp cao trong chính phủ, như ngoại trưởng Anh, bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Văn hóa. Tuy nhiên, ông Hunt khẳng định không muốn trở thành thủ tướng Anh, mặc dù trước đó nhân vật này đã tham gia hai cuộc đua vào ghế thủ tướng, trong đó năm 2019 khi ông thất bại trong vòng cuối cùng trước cựu Thủ tướng Johnson.

Ông Wallace là bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời ông Johnson và cả bà Truss. Ông đã gây ấn tượng với người dân Anh bằng phản ứng kiên quyết đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tuần này ông nói với tờ The Times rằng vẫn muốn ở lại làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-truss-ra-di-song-gio-o-lai-voi-chinh-truong-anh-post704359.html