Thủ tướng tuyên bố khánh thành 4 dự án giao thông lớn, tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng
Sáng 24/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức tuyên bố khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm, gồm dự án mở rộng sân bay Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. Lễ khánh thành được tổ chức trực tuyến tại 4 điểm cầu các dự án.
Tại điểm cầu Điện Biên là lễ khánh thành dự án mở rộng sân bay Điện Biên; tại điểm cầu Tuyên Quang khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối thông với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; tại điểm cầu Vĩnh Long khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; và điểm cầu Tiền Giang khánh thành cầu Mỹ Thuận 2.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là lần đầu tiên có 4 công trình giao thông lớn cùng khánh thành, với tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng. Đặc biệt hơn khi tại lễ khánh thành sân bay Điện Biên có 20 chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Theo Thủ tướng, các công trình giao thông đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, khi mở ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, kinh tế, đô thị, thương mại, du lịch… được mở ra. Đặc biệt, hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ góp phần giảm chi phí logistics, tăng cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, giúp người dân đi lại dễ dàng, giao lưu giữa các địa phương.
Trong 4 công trình khánh thành, có 3 công trình đường bộ cao tốc, giúp nâng tổng số đường cao tốc đưa vào khai thác tới thời điểm này lên gần 1.900km. Đang thi công gần 1.700km đường cao tốc khác, tiến tới hoàn thành mục tiêu năm 2025 có 3.000km cao tốc.
Thủ tướng đánh giá, quá trình thi công các công trình đều gặp không ít vướng mắc, như về pháp lý, nguồn vốn, khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cả biến động, mặt bằng, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng dịch COVID-91…
Tuy nhiên, với trách nhiệm cao nhất, các cấp ngành, địa phương đã chung tay, nỗ lực giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn để đưa công trình về đích. “Với trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương, nhà thầu, người dân với tinh thần vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, làm việc xuyên Tết, 3 ca, 4 kíp…đã đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra. Qua triển khai các dự án cũng là bài học kinh nghiệm cho triển khai các công trình, dự án lớn thời gian tới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng dẫn điển hình là dự án cầu Mỹ Thuận 2, dài hơn cầu Mỹ Thuận 1, tĩnh không cao hơn, nhưng sử dụng toàn bộ vốn tự có của Việt Nam, do người Việt tự làm chủ từ thiết kế tới thi công. Nhờ đó, chi phí tiết kiệm được 50% so với đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 1 bằng vốn ODA và nhà thầu nước ngoài thực hiện. Suất đầu tư cầu Mỹ Thuận bình quân chỉ 2.500 USD/m2, trong khi cầu Mỹ Thuận 1 là 5.000 USD/m2.
Từ kết quả triển khai 4 dự án khánh thành hôm nay, Thủ tướng chỉ ra 6 bài học lớn, như: Thay đổi tư duy tạo ra nguồn lực, đổi mới tạo ra động lực, tập trung sức mạnh toàn dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng giám sát, kiểm tra; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại; có khó khăn, vướng mắc phải được kịp thời nắm bắt, chủ động tháo gỡ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân; chủ động phòng chống tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm…
Sau khi thành thành 4 công trình giao thông trên, Thủ tướng đề nghị, các bộ ngành, địa phương tổ chức khai thác, phát huy tốt lợi thế, hiệu quả các công trình mang lại; quan tâm chăm lo cho người dân phải nhường đất cho dự án; thanh quyết toán kịp thời đảm bảo công khai, minh bạch; các nhà thầu rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn các dự án sau này…
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thời gian qua, ngành giao thông đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt với đường bộ cao tốc, một số dự án sân bay quan trọng để tạo độc lực cho tăng trưởng. Bộ GTVT và các địa phương đã và đang đổi mới tư duy, đẩy mạnh phân cấp đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Năm 2023, ngành giao thông đã đưa vào khai thác 425km đường bộ cao tốc, hoàn thành nâng cấp mở rộng sân bay Phú Bài (Huế), sân bay Điện Biên…
Dù quá trình triển khai dự án gặp không ít khó khăn, nhưng đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chung tay, thường xuyên kiểm tra hiện trường để nắm bắt và tháo gỡ, góp phần đưa các dự án về đích.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên do ACV làm chủ đầu tư, hoàn thành sau 22 tháng triển khai. Sân bay có vị trí chiến lược tại khu vực Tây Bắc, nhưng trước đây chỉ đủ điều kiện khai thác máy bay loại nhỏ như ATR72, thường xuyên bị ảnh hưởng thời tiết.
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó vốn ACV thu xếp hơn 1.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí hơn 1.500 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng. Đường bay sân bay sau mở rộng đạt 2,4km, rộng 45m, có 4 vị trí đỗ máy bay, mở rộng nhà ga hành khách… cho phép khai thác thác loại máy bay A320/321 và tương đương, nhà ga phục vụ 500 nghìn khách/năm. Đây cũng là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2024).
Cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền nối Vĩnh Long - Tiền Giang là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Cầu mới đưa vào sử dụng nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam từ TPHCM tới Cần Thơ (dài 120km). Cầu có chiều dài hơn 6km, tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, từ vốn ngân sách, được nối thông với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận qua cầu Mỹ Thuận 2. Giai đoạn 1 của cao tốc này được thiết kế 4 làn xe, vận tốc khai thác 90 km/h.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài hơn 40 km, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 1 của tuyến cao tốc này có 4 làn xe, tốc độ khai thác 90km/h.