Thủ tướng: Xóa bỏ mọi định kiến, tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu rất cấp bách

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu rất cấp bách, để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Sáng 18-5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… với sự tham gia của 1,5 triệu đại biểu.

 Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cầm Tú cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cầm Tú cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dần khẳng định vị thế của KTTN

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 về phát triển KTTN và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết”.

Theo Thủ tướng, trong gần 40 năm phát triển, KTTN trải qua 5 giai đoạn phát triển chính và dần khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế, là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

KTTN đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế… “Trong đại dịch COVID-19 và nhất là bão Yagi - cơn bão lịch sử trong 70 năm qua đã cho thấy vai trò tích cực, chủ động tham gia tích cực, nhiệt tình, hiệu quả của đội ngũ DN mà không chờ kêu gọi” – Thủ tướng nhìn nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó cũng đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục của KTTN trong thời gian tới. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh một trong những nguyên nhân căn bản là thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển KTTN, thủ tục hành chính còn vướng mắc...

Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời. Nhiều DN còn hạn chế về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

“Một bộ phận cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục cho DN là nghĩ ngay đến “xin - cho”; tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí” - Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định muốn KTTN phát triển thì phải có cơ chế ưu tiên cụ thể cho từng ngành, nghề.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là hai mục tiêu chiến lược 100 năm, Thủ tướng cho biết cần đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn, quyết liệt hành động để khơi thông mọi động lực cho phát triển đất nước.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển KTTN để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị để phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Xóa bỏ triệt để định kiến về KTTN

Thủ tướng cho hay Nghị quyết 68 nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN. Trong đó, phải coi KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế.

“Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm KTTN bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực” – Thủ nói nêu rõ và khẳng định cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Nghị quyết 68 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay.

Những nhóm này gồm, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển DNTN lớn; hỗ trợ DNTN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.

“Tinh thần là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương” – Thủ tướng nêu rõ và khẳng định phải phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển KTTN.

Song song đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường; tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm 2025, thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

“Phấn đấu đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng yêu cầu chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, phải thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: PHẠM MINH CHÍNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: PHẠM MINH CHÍNH

Không phân biệt đối xử KTTN với các khu vực kinh tế khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý không phân biệt đối xử giữa KTTN với các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển KTTN.

Ông cũng nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần.

Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.

Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

“Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án” – Thủ tướng nói và nêu rõ việc phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án…

Một điểm mới trong nghị quyết được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc về đất đai, tín dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng” – ông nêu yêu cầu.

 Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai Nghị quyết của Bộ Chính trị sáng 18-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai Nghị quyết của Bộ Chính trị sáng 18-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đào tạo 10.000 giám đốc điều hành

Một nội dung khác, theo Thủ tướng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTTN. Đáng chú ý là thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTTN, trong đó quan tâm, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành. Đồng thời, phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hay chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global).

Để đưa Nghị quyết 68 nhanh chóng triển khai và đi vào thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tinh thần 6 rõ - rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Ông cho biết trong chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện nghị quyết đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương với thời hạn, kết quả cụ thể.

“Với những giải pháp mang tính cách mạng, đột phá, Nghị quyết 68 là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, “tiếp lửa” cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, tạo dựng những giá trị mới, cùng cả nước vươn lên trong kỷ nguyên mới” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Những mục tiêu căn bản để phát triển KTTN

Đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10- 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2045, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

NGUYỄN THẢO

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-xoa-bo-moi-dinh-kien-tao-dot-pha-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-la-yeu-cau-rat-cap-bach-post850345.html