Chuyên gia UNDP: Chênh lệch về kỹ năng số có thể dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội việc làm

Bà Trần Thị Bảo Ánh, Trưởng Phòng Tìm hiểu xu hướng của UNDP, nói rằng khoảng cách về kỹ năng số giữa thanh niên thành thị, nông thôn và nhóm người khuyết tật tạo ra một thách thức lớn về cơ hội việc làm nếu không có các chính sách phù hợp.

Cần có các chương trình đào tạo cho thanh niên nông thôn và đối tượng yếu thế về kỹ năng số để thu hẹp khoảng cách số.

Cần có các chương trình đào tạo cho thanh niên nông thôn và đối tượng yếu thế về kỹ năng số để thu hẹp khoảng cách số.

UNDP vừa thực hiện nghiên cứu về thanh niên và tương lai nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển mình của Việt Nam. Nghiên cứu đã cho thấy góc nhìn và mức độ sẵn sàng của thanh niên với việc làm trong khu vực công tại Việt Nam, cũng như tương lai của việc làm trong bối cảnh cách mạng số.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Bảo Ánh, Trưởng Phòng phụ trách về Tìm hiểu xu hướng, UNDP Việt Nam, để làm rõ hơn về nghiên cứu này.

- UNDP đã tiến hành một nghiên cứu về thanh niên và tương lai nghề nghiệp trong bối cảnh tác động của công nghệ. Xin bà cho biết một vài kết quả chính của khảo sát này?

- UNDP Việt Nam đã phối hợp cùng trường Đại Học Fulbright tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu sâu về tương lại việc làm với thanh niên Việt Nam, gồm các nhóm sinh sống ở thành thị, nông thôn, các bạn khiếm thị, các bạn từ các hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nghiên cứu theo phương pháp định tính, tiếp cận với số thanh niên nhỏ qua 6 phiên thảo luận tập trung.

Nghiên cứu cho thấy thanh niên Việt Nam có cái nhìn tích cực về công nghệ. Phần lớn tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới và tạo điều kiện cho làm việc linh hoạt hơn. Giới trẻ mong rằng công nghệ sẽ được áp dụng để tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, giải phóng thời gian cho con người để tập trung vào các công việc yêu cầu sáng tạo, kỹ năng thấu cảm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện v.v…

 Bà Trần Thị Bảo Ánh, chuyên gia UNDP

Bà Trần Thị Bảo Ánh, chuyên gia UNDP

Về môi trường làm việc được ưu tiên, những người được khảo sát nói rằng có nhu cầu làm việc ở các môi trường sáng tạo, linh hoạt, có nhiều cơ hội phát triển bản thân, đưa ra được cân bằng cuộc sống và công việc cũng như ưu tiên sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, các bạn cũng có những lo ngại về tương lai việc làm như yêu cầu kỹ năng ngày càng nâng cao, môi trường cạnh tranh, hệ thống giáo dục và đào tạo chưa bắt kịp tất cả các nhu cầu về kỹ năng và kiến thức cần thiết cho việc làm trong tương lai để trang bị cho thanh niên.

Ngoài ra nghiên cứu cũng nêu lên phần nào một số vấn đề về khoảng cách số, liên quan đến độ tiếp cận của các nhóm yếu thế như thanh niên khuyết tật, các bạn đang sinh sống ở những vùng nông thôn v.v…

- Theo bà, những kỹ năng công nghệ nào đang trở nên cần thiết nhất đối với giới trẻ trên thị trường lao động hiện nay?

- Trong nghiên cứu của UNDP Việt Nam, các bạn trẻ đã nêu lên được tầm quan trọng của các kỹ năng công nghệ, ví dụ như kỹ năng phân tích dữ liệu, lập trình... các kỹ năng cần thiết để thích nghi và tận dụng được các công nghệ mới như AI.

Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm không hề kém phần quan trọng và rất cần được chú trọng cùng với các kỹ năng số. Các kỹ năng về giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, cảm xúc, tư duy học tập và phát triển trở nên rất quan trọng, đặc biệt khi công nghệ đã hỗ trợ được phần nào một số công việc kỹ thuật.

- Công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho giới trẻ, hay đang thay thế họ bằng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo?

- Công nghệ có tạo ra một số thách thức và thay đổi về việc làm nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Một số khía cạnh/nhiệm vụ trong một số ngành nghề đang được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc được tự động hóa phần nào.

Các công nghệ mới cũng đang mở ra nhiều lĩnh vực và nghề nghiệp mới, tạo ra một số thay đổi đòi hỏi những kỹ năng cần thiết cho các công việc đó. Vì thế thanh niên cần được chuẩn bị kỹ năng phù hợp để tận dụng tốt các cơ hội và thích ứng với thay đổi.

- Theo bà, có những rào cản nào đối với thanh niên Việt Nam trong việc có được việc làm như mong muốn?

- Cần lưu ý về các chính sách liên quan để thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng mà thanh niên có, đã và đang được đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra sẽ cần thêm các nghiên cứu đánh giá về cung lẫn cầu của thị trường lao động Việt Nam. Chúng ta cần đánh giá được là đang thiếu về kỹ năng, năng lực từ người tham gia lao động hay do các cơ hội công việc thỏa đáng, chất lượng tốt vẫn đang còn thiếu trên thị trường.

Với các nhóm yếu thế thì vẫn có các vấn đề về tiếp cận cơ hội. Ví dụ như với nhóm thanh niên khiếm thị thì các bạn gặp một số rào cản về công nghệ, khi công nghệ chưa được xây dựng một cách bao trùm, thiếu các chức năng hỗ trợ việc sử dụng và tiếp cận cho người khuyết tật.

Ngoài ra vẫn còn các rào cản khác như một số định kiến về năng lực của người khuyết tật, việc phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, các văn phòng không có hạ tầng dễ tiếp cận đối với người khuyết tật.

Với các bạn từ nông thôn, một số vẫn khó tiếp cận với công nghệ như Internet, máy tính và các thiết bị khác; cũng như gặp phải các chênh lệch về tiếp cận thông tin, cơ hội việc làm.

- Theo bà, công nghệ đã thay đổi cách giới trẻ Việt Nam tìm kiếm việc làm như thế nào? Giới trẻ Việt Nam có đang tận dụng tốt các công cụ công nghệ để làm việc tự do (freelance), khởi nghiệp hoặc làm việc từ xa không thưa bà?

- Trong nghiên cứu, chúng tôi thấy được rằng các bạn trẻ có nhiều hiểu biết về các cơ hội trong và ngoài nước, cập nhật thông tin rất tốt. Nhiều bạn cũng mong muốn thông qua các công nghệ như Zoom, Microsoft Teams v.v… cũng như thay đổi phương thức làm việc - chuyển sang làm việc hybrid hoặc làm việc tại nhà, các bạn có thể nắm bắt được các cơ hội ở những thành phố, đất nước khác nơi các bạn đang sống hiện tại.

Khi các bạn có nhiều tự do hơn trong việc quản lý thời gian và địa điểm của việc làm, với một số các cơ hội khác này thì giới trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng cần thiết về công nghệ cũng như kỹ năng mềm, chẳng hạn như quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc đa quốc gia v.v… để nắm bắt được các cơ hội này.

Ngoài ra vẫn sẽ vẫn có các chênh lệch về mức độ tiếp cận các cơ hội nói chung cũng như các cơ hội làm việc từ xa, khởi nghiệp hay tự do, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng tiếp cận hạ tầng số của các bạn trẻ.

- Sự phát triển của công nghệ có đang làm gia tăng khoảng cách giữa nhóm lao động trẻ có kỹ năng số và những người không có?

- Đây có thể là một thách thức lớn nếu không có các chính sách phù hợp. Chênh lệch về kỹ năng số có thể dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội việc làm. Những bạn trẻ thiếu tiếp cận công nghệ hoặc chưa được trang bị kỹ năng phù hợp dễ bị bỏ lại phía sau.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách đào tạo, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng mềm đi kèm với kỹ năng số, đặc biệt cho những nhóm dễ bị tổn thương như thanh niên nông thôn, người khuyết tật hoặc thanh niên ngoài hệ thống giáo dục.

 Ảnh minh họa: báo Khánh Hòa

Ảnh minh họa: báo Khánh Hòa

Các bạn khiếm thị trong nghiên cứu của chúng tôi thì có nêu lên được những lợi ích mà công nghệ đang mang tới cho họ, giúp thu hẹp khoảng cách về tiếp cận. Ví dụ như các công nghệ AI chatbot, trợ lý ảo đã giúp các bạn tiếp cận được thông tin. Hơn nữa, các thay đổi về cách thức làm việc, như làm việc trực tuyến cũng đã hỗ trợ cho các bạn có thể tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm hơn, giảm bớt yêu cầu về đi lại.

Mặt khác, một số các công nghệ tập trung vào nội dung trực quan/hình ảnh/video như các mạng xã hội thì lại tạo ra một số khó khăn cho việc tiếp cận. Trong khi đó, các công nghệ cần cho người khiếm thị như chuyển giọng nói thành văn bản (speech-to-text) thì thường gặp định kiến/sự thiếu tin tưởng về bảo mật thông tin từ các nhà tuyển dụng, dẫn đến kỳ thị trong quá trình tuyển dụng.

- Đối với các lực lượng lao động ở nông thôn và thành thị, có sự khác biệt gì về kỹ năng công nghệ không thưa bà? Theo bà thì công nghệ có thể giúp giới trẻ tại vùng nông thôn tiếp cận việc làm tốt hơn không?

- Trong khảo sát của chúng tôi, các bạn trẻ ở nông thôn có nêu lên một số vấn đề về mặt tiếp cận. So với thanh niên thành thị, giới trẻ ở nông thôn ít có cơ hội tiếp cận công nghệ - cả công nghệ cao cấp cũng như công nghệ nền tảng.

Ngoài ra các bạn cũng cảm thấy khó tiếp cận hơn với các cơ hội học tập, và trải nghiệm thực tiễn liên quan đến công nghệ. Các bạn cũng nêu lên một số lo lắng liên quan quan đến việc công nghệ có thể thay thế họ trong những công việc hay ngành nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, ngành sản xuất.

Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể mở ra các cơ hội cho thanh niên nông thôn nếu được hỗ trợ đúng cách, ví dụ như học trực tuyến, thương mại điện tử nông sản, hay làm việc từ xa v.v… Điều quan trọng là cần đầu tư một cách bao trùm vào giáo dục, đào tạo, hạ tầng số, thiết bị… để không nhóm nào bị bỏ lại phía sau.

- Các bạn trẻ hiện nay đang dành nhiều ưu tiên hơn cho việc làm trong khu vực tư, vì cơ hội việc làm ở khu vực công đang bị hạn chế. Theo bà thì đây là một xu hướng hay một thiếu sót của chính sách khuyến khích việc làm trong khu vực công? Nếu là thiếu sót của chính sách thì làm thế nào để cải thiện điều này?

- Để lựa chọn sứ mệnh việc làm thì các bạn trẻ cũng cần cân nhắc về nhiều khía cạnh khác nhau như mối quan tâm về ngành nghề, mục tiêu cá nhân, môi trường làm việc… Tùy vào các yếu tố đó thì các bạn có thể có những ưu tiên công tác ở khu vực công hoặc tư.

Trong nghiên cứu của UNDP về “Góc nhìn và mức độ sẵn sàng của thanh niên Việt Nam với việc làm trong khu vực công”, các bạn trẻ đã nêu ra các ưu tiên về tiêu chí lựa chọn việc làm, trong đó hai tiêu chí ưu tiên nhất là: Cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến; Môi trường làm việc thân thiện, năng động và sáng tạo.

Từ góc nhìn của các bạn trẻ thì có đánh giá rằng hiện tại công việc ở khu vực tư có thể dễ dàng đáp ứng những tiêu chí này hơn. Điều này phản ánh một phần thực tế nhưng cũng có thể là do các định kiến mà các bạn trẻ có hoặc chưa tiếp cận được thông tin về việc làm ở khu vực công.

Để cải thiện điều này, khu vực công trước hết cần có những cách thức truyền thông mới, phù hợp để lan tỏa được thông tin về cơ hội, chính sách và ưu đãi sẵn có tới các bạn trẻ. Những cải thiện về truyền thông, cũng như việc làm minh bạch hóa các quá trình tuyển dụng, chính sách ưu đãi… sẽ hỗ trợ phần nào để thu hút thêm các bạn trẻ làm việc trong khu vực công.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-gia-undp-chenh-lech-ve-ky-nang-so-co-the-dan-den-bat-binh-dang-trong-co-hoi-viec-lam-post185650.html